Theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm. Riêng lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đã giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm. Còn lãi suất áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng xác định dựa trên cung cầu vốn trên thị trường.
Theo thống kê từ đầu tháng 8 tới nay, các ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm: TPBank, ACB, Eximbank, Techcombank, NCB, VietBank, ABBank, OceanBank, HDBank, Sacombank, VIB, VPBank, MSB, BacA Bank, Saigonbank, CBBank, VietA Bank, SHB, OCB, BaoViet Bank, BVBank, GPBank, MB, SeABank, VietA Bank.
Trong đó, VIB, BacA Bank, Sacombank đã giảm lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng 8. Ngân hàng NCB, Techcombank và VietBank đã có 3 lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng, trong khi ACB và Eximbank đã giảm lãi suất tới 4 lần.
Cụ thể, kể từ ngày 18/8, Bac A Bank hạ lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 0,2 đến 0,25 điểm %. Mức lãi suất cao nhất của Bac A Bank hiện là 6,95%/năm cho kỳ từ 13 tháng trở lên với số tiền trên 1 tỷ đồng.
Hay, ngày 17/8, VietABank cũng giảm lãi suất huy động từ 0,1 đến 0,3 điểm % cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng là 7%/năm đối với hình thức gửi tiết kiệm online, kỳ hạn 12 tháng và lĩnh lãi vào cuối kỳ.
Cùng ngày, Techcombank cũng điều chỉnh lãi suất đối với nhiều kỳ hạn. Hiện nay, lãi suất cao nhất của ngân hàng này chỉ còn 6,3%/năm, áp dụng với khách hàng gửi tiền online, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và số tiền trên 3 tỷ đồng.
Trong khi đó, ACB đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 12 tháng xuống còn 6,2%/năm, thay vì 6,4% - 6,5%/năm như trước đây. Để hưởng mức lãi suất trên, khách hàng cần gửi ít nhất 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sacombank cũng đã thay đổi biểu lãi suất huy động, giảm từ 0,2 đến 0,8 điểm % tùy từng kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất cao nhất đang được Sacombank áp dụng là 7%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên (đối với “Tiết kiệm Phù Đổng” và “Tiết kiệm tích góp siêu linh hoạt” - hai gói tiết kiệm này có lãi suất 6 tháng cuối chỉ là 4,75%/năm). Đối với tiết kiệm online, người gửi sẽ nhận lãi suất tối đa là 6,5%/năm khi gửi tiền từ 24 tháng trở lên.
Ngoài ra, dự kiến vào ngày 19/8, NCB sẽ áp dụng biểu lãi suất mới, giảm từ 0,1 - 0,2 điểm % cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Đây là lần giảm lãi suất thứ 3 trong tháng của ngân hàng này. Như vậy, mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này áp dụng dự kiến sẽ về ngưỡng 7,1%/năm cho kỳ hạn từ 12 - 13 tháng, theo hình thức online.
|
Lãi suất tiết kiệm giảm sâu, ngân hàng nào cao nhất? (ảnh minh họa: Internet). |
Tính đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đang duy trì lãi suất huy động cao nhất từ 7 - 7,3% tại một vài kỳ hạn gồm: ABBank, PVCombank (kỳ hạn 6 tháng); PVCombank, NCB, CBBank, BaoVietBank (kỳ hạn 9 – 18 tháng); VietA Bank, HDBank (12 – 18 tháng); NamA Bank (12 tháng); và KienLong Bank, LPBank, OceanBank (18 tháng).
Hiện nay, các ngân hàng thương mại Nhà nước, bao gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank đang có lãi suất tiền gửi cao nhất là 6,3%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Trong khi đó, trong nhóm các ngân hàng tư nhân lớn, một số đã đưa lãi suất kỳ hạn này về khoảng 6%. Lãi suất tối đa của những ngân hàng này nằm trong khoản từ 6,2 - 6,9%/năm, tùy vào kỳ hạn. MB hiện đang có mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng thấp nhất, chỉ 6,1%/năm.
Một số cái tên như SeABank, Eximbank cũng đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống chỉ còn lần lượt 6,2%/năm và 6%/năm. Như vậy, hiện nhóm Big4 đã không còn là những ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường.