“Hệ thống robot gắp bịch và đóng thùng tự động” do nhóm kỹ sư Công ty Cổ phần Sữa TH (thuộc Tập đoàn TH) nghiên cứu, chế tạo, ước tính làm lợi cho doanh nghiệp 1,7 tỷ đồng mỗi năm. Sáng kiến vừa được trao Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam - WIPO 2022.
Ngày 31/5/2023, Lễ tổng kết và trao Giải thưởng WIPO 2022 đã được Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức trang trọng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Trong số các sáng tạo được trao giải, đáng chú ý có sáng kiến “Make in Vietnam” dành cho “Hệ thống robot gắp bịch và đóng thùng tự động” của kỹ sư Công ty Cổ phần Sữa TH tự nghiên cứu, chế tạo, đi vào vận hành từ ngày 20/9/2022.
Hiệu quả kinh tế- môi trường
Đây là sáng kiến khoa học kỹ thuật đạt giải nhất của tỉnh Nghệ An, và cũng là sáng kiến duy nhất được tỉnh gửi tới Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam để tham dự Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam – WIPO 2022.
Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam WIPO được tổ chức nhằm tôn vinh các nhà khoa học với những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam. Thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học và các cá nhân đam mê sáng tạo trên cả nước, Giải thưởng đã khuyến khích việc tìm tòi, sáng tạo để giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Các công trình đoạt giải đã và đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
|
Đại diện nhóm tác giả sáng kiến “Hệ thống robot gắp bịch và đóng thùng tự động” nhận giải thưởng. |
Đại diện cho nhóm tác giả sáng kiến tham dự nhận giải thưởng tối 31/5 tại Hà Nội, ông Cao Minh Hòa – Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Sữa TH (thành viên của Tập đoàn TH) giới thiệu: “Hệ thống robot gắp bịch và đóng thùng tự động” do Bộ phận kỹ thuật Công ty Cổ phần Sữa TH nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt. Sự ra đời của hệ thống giúp thay thế hoàn toàn công đoạn đóng gói thủ công bịch sữa mềm vào thùng. Đây là hệ thống robot Delta tốc độ cao bao gồm máy tạo thùng, máy đóng thùng tự động có công suất tối đa 12.000 bịch sữa/giờ, tương đương với năng suất làm việc của 6 công nhân.
Xét về mức độ phức tạp, hiện chỉ có một số hãng châu Âu làm chủ được công nghệ tương tự như ADB, Omron, nhưng chi phí của họ lên tới 12-13 tỷ đồng cho hệ thống này. Trong khi đó, hệ thống của chúng tôi có kinh phí tổng thể là 2 tỷ đồng”.
Không ngừng sáng tạo, không ngừng tư duy…
Đang vận hành trên dây chuyền tại Nhà máy Sữa tươi sạch TH tại Nghệ An, “Hệ thống robot gắp bịch và đóng thùng tự động” đảm nhiệm thay thế thao tác thủ công từ việc hút bìa để tạo hộp với cơ chế không dùng keo cố định, giảm chi phí vận hành, đưa hộp đã tạo hình tới điểm trả sữa trên băng tải, nơi cánh tay robot gắp sữa vào thùng bằng cách sử dụng 8 miếng hút đảm bảo sự cân bằng khi hút bịch sữa nhằm luôn giữ được sự cân bằng của lớp vỏ, bảo toàn được trạng thái nguyên vẹn của bịch sữa, cũng như đảm bảo chất lượng tối đa. Thùng sau khi được gắp đầy được dán bằng máy dán tự động và tự vận chuyển đến vị trí xếp pallet.
|
“Hệ thống robot gắp bịch và đóng thùng tự động”. |
Tập đoàn TH kể từ ngày thành lập năm 2009 đến nay đã kiên định đi theo tư duy dẫn đường vượt trội của Anh hùng Lao động Thái Hương là “kết hợp trí tuệ Việt, tài nguyên thiên nhiên Việt với công nghệ cao, khoa học quản trị 4.0 mới nhất của thế giới”. Nhờ ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản trị và sản xuất, TH đã tạo ra những kết quả đột phá trong nông nghiệp, tạo ra cuộc cách mạng sữa tươi sạch ở Việt Nam, tiên phong khai mở con đường đồ uống tốt cho sức khỏe, con đường thảo dược cho người Việt…
|
Mỗi năm Nhà máy Sữa tươi sạch TH true MILK đưa vào ứng dụng thực tế hàng chục sáng kiến, cải tiến, với giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng/năm. |
Những năm qua, không chỉ ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ hàng đầu thế giới, người lao động TH còn không ngừng sáng tạo những hệ thống, công nghệ của riêng mình để phù hợp với thực tiễn sản xuất.
Ngoài “Hệ thống robot gắp bịch và đóng thùng tự động”, năm 2020, tại Lễ trao giải Sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, vượt qua hơn 400 đề tài, sản phẩm khác, Dây chuyền băm Ngô và Rơm tự động do chính người TH chế tạo đã được trao tặng giải Nhì. Dây chuyền chế biến này giúp tiết kiệm khoản tiền lên tới 29 tỷ đồng (1,2 triệu USD) trong 15 tháng cho TH và được thực hiện với chi phí vỏn vẹn hơn 400 triệu, gần bằng 1/5 so với thiết bị nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng nguyên liệu thức ăn cho bò.
“Sáng tạo và tận tâm phụng sự là 2 trong số 5 năng lực cốt lõi của người TH. Nhà Sáng lập và Ban lãnh đạo Tập đoàn luôn khuyến khích cũng như có các chính sách cụ thể để tạo ra môi trường sáng tạo cho cán bộ nhân viên. Chỉ tính riêng Công ty Cổ phần Sữa TH, đơn vị đang chịu trách nhiệm vận hành Nhà máy Sữa tươi sạch TH, mỗi năm chúng tôi đưa vào ứng dụng thực tế hàng chục sáng kiến, cải tiến, với giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm”, ông Cao Minh Hòa khẳng định.