Từ khá xa, tôi thấy nơi chân trời một hàng cọc nhô lên trên mặt biển nhấp nhô sóng với mấy hàng dây giăng ngang nối liền nhau.
Những thân cây mà người ta gọi là cọc đáy hàng khơi, là những thân cây dừa lão được đóng chặt và sâu xuống nền đáy biển. Người ta nói đóng được hàng cọc này là kỳ công, vì đóng cọc như vậy trên đất liền đã là quá khó, huống gì giữa biển khơi.
|
Cọc đáy hàng khơi, nơi bạn chòi thi gan cùng nguy hiểm. Ảnh: TL. |
Những hàng cọc nối nhau bằng những sợi dây bự và chắc chắn nhằm chằng giữ nó lại, giúp nó đứng vững giữa sóng gió. Từ những trụ cọc này treo lơ lửng những cái chòi lá. Từ đó người ta thả những mành lưới lớn xuống biển, theo dòng hải lưu, nơi được đánh giá có luồng cá chạy nhiều, theo con mắt nhà nghề của dân làm đáy. Chòi lá là nơi tá túc của người bạn chòi, họ có nhiệm vụ canh giữ lưới, nhất là phải trông con nước mà quyết định buông, kéo lưới. Họ phải “sống chết” ngày đêm “giam mình” giữa bao la biển cả. Họ nấu nướng, ăn ngủ, sinh hoạt trong cái chòi nhỏ lúc nào cũng lắc lư theo nhịp sóng nhồi với tiếng muỗng đũa, xoong nồi… khua loảng xoảng. Bây giờ, nỗi buồn của họ được radio và điện thoại di động giúp liên lạc với đất liền, trong đó có nhiều dịp trò chuyện cùng vợ con.
Tàu dập dềnh, lắc lư theo những nhịp sóng. Người bạn chòi đu mình trên sợi dây, tay bám chặt mấy sợi, nhanh chóng nhận nào củi, gas, mắm muối, thức ăn tươi sống, thuốc hút, nhất là thuốc men cần thiết trị cảm mạo, phong hàn… từ tàu chuyển lên.
Tới giờ kéo đáy, người bạn chòi nằm gập người trên một sợi dây, hai chân níu kéo sợi dây thừng từ hai tay đẩy lùi, hai tay kéo mành lưới nặng hàng tấn chứa đầy cá. Theo tàu về đất liền, tôi nhìn ra xa khơi thấy chòi giữ đáy như cái ổ chim giữa biển khơi đầy bất trắc mà thương cho người bạn chòi.