Kinh hoàng làm trắng khoai môn bằng chất gây mòn đường ruột

Google News

Khi PV thắc mắc làm sao giữ được độ trắng lâu cho khoai môn, chủ cơ sở tiết lộ có cho thêm chất bảo quản sodium metabisulfite - một loại chất gây mòn đường ruột.

Báo VTC News dẫn nguồn tin cho biết, nhiều người đều biết khoai môn sau khi đã bóc vỏ sẽ chuyển sang màu vàng hoặc đỏ nhưng có những nơi sản xuất để nhiều giờ vẫn có màu trắng. Phóng viên một tờ báo ở Trung Quốc đã tiến hành điều tra về nghi vấn ẩn giấu đằng sau và phát hiện sự thật kinh hoàng.
Qua theo dõi nhiều tuần, các phóng viên đã phát hiện một cơ sở sản xuất dùng chất sodium metabisulfite - một loại chất gây mòn đường ruột, khi lột vỏ khoai môn.
Bên trong cơ sở sản xuất dùng phụ gia không theo quy định. (Ảnh VTC News).
Sau đó, cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm của huyện Song Lưu (Trung Quốc) đã tiến hành kiểm tra và phát hiện cơ sở này sử dụng chất sulfur dioxide để khoai môn giữ được độ trắng và bảo quản được lâu hơn
Vào thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất vẫn đang hoạt động, máy lột vỏ làm việc hết công suất. Sau khi máy đã lột vỏ xong, 4 công nhân đóng gói rồi đưa đi phân phối cho các đại lý.
Chủ cơ sở sản xuất cho biết, khoai môn này có thể bảo quản ít nhất 2 ngày, giá khoảng 40.000 đồng/kg.
Khi phóng viên thắc mắc làm sao giữ được độ trắng lâu cho khoai môn, chủ cơ sở tiết lộ có cho thêm chất bảo quản sodium metabisulfite. Gói bột này được đặt ngay cạnh máy lột vỏ khoai, túi nặng 25kg đã dùng hết một nửa. Khi mở túi có vị cay nồng xộc thẳng lên mũi. Ông chủ cơ sở còn bao biện, phụ gia này được sử dụng thường xuyên và không có vấn đề gì.
Theo ông chủ này, mỗi lần bóc, máy có thể làm sạch vỏ khoảng hơn 300kg khoai môn. Tuy nhiên, lượng phụ gia nói trên cho vào bao nhiêu tùy thuộc vào kinh nghiệm người sản xuất. Được biết, mỗi tuần, cơ sở sản xuất khoai môn sẽ đưa ra thị trường ít nhất 3 tấn sản phẩm.
Cơ quan chức năng đã lấy mẫu khoai môn bán trên thị trường để phân tích và phát hiện chất sulfur dioxide vượt ngưỡng cho phép.
Đẹp một chốc, hại cả đời
Tại Việt Nam, cơ quan chức năng cũng nhiều lần phát hiện các cơ sở chế biến thực phẩm dùng chất này để làm trắng, tẩy mùi thực phẩm.
Hiện nay, hầu như tất cả các doanh nghiệp sử dụng chất tẩy đường Sodium Metabisulfite (Na2S2O5) sử dụng trong thực phẩm: Bột, bún/phở và nhiều sản phẩm khác. Đây là một chất tẩy dùng trong công nghiệp, cấm sử dụng trong thực phẩm. Do nhiều doanh nghiệp vì thị hiếu khách hàng mà cố ý sử dụng chất tẩy này trong việc chế biến, bảo quản thực phẩm nhằm thu lợi nhuận cao góp phần phá giá thị trường, làm người tiêu dùng nhằm lẫn trong vấn đề chọn lựa thực phẩm thông minh.
Hoá chất Sodium Metabisulphite, do có dư lượng sulfur dioxide SO2 khi con người sử dụng vào sẽ viêm loét bao tử, đường ruột và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. và gốc Lưu huỳnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch và tiêu hoá con người.
PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Chất sunfua dioxit (SO2) được dùng trong thực phẩm để kéo dài thời gian bảo quản và chống vi khuẩn xâm nhập. SO2 là chất độc, nếu còn dư lượng trong thực phẩm thì làm ngộ độc cho người sử dụng. Trong công nghệ chế biến thực phẩm, các nhà sản xuất có quy trình đưa SO2 vào thực phẩm và tách nó ra khỏi thực phẩm khi đưa đến tay người tiêu dùng (NTD)”.
Cũng theo ông Thịnh, việc cho SO2 vào thịt ôi sẽ làm mất mùi ôi đi chứ không biến thịt ôi thành tươi được. Trong cái ôi đó đã sinh ra độc tố nằm trong thịt và SO2 chỉ làm mất mùi ôi, kiểu “đánh lận con đen”.
Theo PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh: Dư lượng SO2 quá mức cho phép trong thực phẩm khi xâm nhập vào đường tiêu hóa sẽ gây buồn nôn nhức đầu và gây viêm niêm mạc.
Những hóa chất độc hại sử dụng trong chế biến thực phẩm không tác dụng trong ngày một ngày hai mà nguy hại là sự tích tụ lâu dần trong cơ thể. Các độc chất này ngấm vào cơ thể dù với hàm lượng nhỏ, nhưng chưa kịp đào thải hết lại được tích tụ thêm trong quá trình sinh hoạt hàng ngày và gây nguy cơ ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Theo VTC News

Bình luận(0)