Thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền, trong đó có khoảng 350 kênh có doanh thu lớn, từ 1 triệu người đăng ký theo dõi kênh trở lên. Tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam có kê khai và nộp thuế đảm bảo đầy đủ.
Theo quy định của pháp luật, các cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp 2% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và 5% thuế giá trị gia tăng, tổng cộng sẽ nộp 7% trên doanh thu.
Thế nhưng, số thu thuế từ lĩnh vực này vẫn còn khá khiêm tốn so với số thu chung. Như tiết lộ của lãnh đạo Tổng cục Thuế, năm 2020 ước thu thuế được từ hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng của các tổ chức, cá nhân (Facebook, YouTube, Google…) chỉ khoảng trên 1.000 tỷ đồng.
Trao đổi riêng với báo Tiền Phong, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, căn cứ Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định nguyên tắc khai thuế, tính thuế thì người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp tiền thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế...
|
Bảng xếp thứ hạng các kênh YouTube hàng đầu của Social Blade tính đến 14/1/2021
|
Căn cứ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế và cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế, tổng số thu năm 2019 và năm 2020 đối với các cá nhân có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử (Google, Facebook, Youtube) Cục Thuế TP. Hà Nội thu được 148 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 là 25 tỷ đồng, năm 2020 là 123 tỷ đồng (tăng 492% so với năm 2019).
"Cá biệt có 3 cá nhân nộp thuế trên 7 tỷ đồng (cao nhất 23 tỷ đồng) với doanh thu tương ứng với số thuế đã nộp là hơn 100 tỷ đồng. Các cá nhân thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế tại các Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, khu vực nơi cá nhân thường trú, tạm trú", lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho hay.
Đối với các thông tin của người nộp thuế, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, không được tiết lộ.
Có thể thấy, với bảng xếp hạng Google công bố Top 10 nhà sáng tạo YouTube nổi bật nhất năm 2020 của Việt Nam, các kênh này cũng đang có thu nhập “khủng” mỗi năm.
Đứng đầu trong Top 10 nhà sáng tạo YouTube nổi bật nhất năm 2020 này là MixiGaming (Độ Mixi). Theo ước tính của trang Social Blade chuyên thống kê xếp hạng các tài khoản trên mạng xã hội gồm YouTube, Twitter, Twitch và Instagram... với 4,45 triệu người đăng ký và có hơn 1,2 tỷ lượt xem, ước tính kênh Độ Mixi có thu nhập từ 145.700 - 2,3 triệu USD trong vòng 1 năm, tương đương 3,35 - 53 tỷ đồng.
Xếp thứ 2 trong danh sách là kênh Trấn Thành Town của MC Trấn Thành hiện có 4,6 triệu người đăng ký theo dõi và tổng số lượt xem video đạt hơn 938,7 triệu. Kênh này được ước tính trong vòng 1 năm có thu nhập từ 70.500 - 1,1 triệu USD, tương đương từ hơn 1,6 - 25,3 tỷ đồng.
Theo sau là kênh Hau Hoang hiện có 6,97 triệu người đăng ký và có hơn 2,16 tỷ lượt xem. Social Blade ước tính kênh nhạc chế này trong vòng 1 năm thu về từ 62.700 - 1 triệu USD, tương đương từ 1,44 - 23 tỷ đồng.
Đứng thứ 4 là “Thiên An Official” với hơn 3,28 triệu người đăng ký theo dõi và hơn 1 tỷ lượt xem toàn kênh. Social Blade ước tính trong vòng 1 năm kênh này có thể kiếm được 129.500 – 1,9 triệu USD, tương đương từ 3 – 44 tỷ đồng.
Đặc biệt, dù đứng thứ 5 trong Top 10 kênh YouTube sáng tạo nhất năm 2020, nhưng kênh Anh Thám Tử chuyên dựng những tình huống lừa đảo, tai nạn có thật xảy ra... lại có thu nhập cao nhất. Anh Thám Tử hiện có 2,14 triệu lượt đăng ký với hơn 1 tỷ lượt xem và ước tính có mức thu nhập từ 334.500 - 5,4 triệu USD trong vòng 1 năm, tương đương từ 7,7 - 124 tỷ đồng.
Còn kênh Cris Devil Gamer chuyên về các game mang về từ 101.600 - 1,6 triệu USD mỗi năm, tương đương 2,33 - 36,8 tỷ đồng.
Hay Di Di là kênh YouTube chính thức của cô gái với tính cách lầy lội, hài hước và là tác giả của những clip nhạc chế luôn được hàng triệu khán giả đón nhận có thu nhập từ 97.300 - 1,6 triệu USD trong vòng một năm, tương đương từ 2,23 - 36,8 tỷ đồng.
Kênh Gãy Media hiện có 2,05 triệu người đăng ký, hơn 1 tỷ lượt xem, ước tính doanh thu mỗi năm từ 249.200USD đến 4 triệu USD, tương đương từ 5,7 – 92 tỷ đồng.
Trong khi đó, FAP TV là kênh của một nhóm hài cũng có thu nhập cao chót vót từ 217.900 - 3,5 triệu USD, tương đương từ 5 - 80,5 tỷ đồng.
Cuối cùng là kênh Quynh Tran JP & Family - Cuộc sống ở Nhật được ước tính có thu nhập từ 86.500 - 1,4 triệu USD, tương đương gần 2 - 32,2 tỷ đồng.
Thống kê của Social Blade cho thấy, kênh TONY TV của Võ Phúc Vinh (quê Đồng Tháp), cũng có thu nhập “khủng” khoảng 21 tỷ đồng/năm. Trong năm 2020, video khủng nhất của TONY TV thuộc về cuộc thi “Vua đầu bếp - Tìm ra Vua Tôm” với hơn 30 triệu lượt xem, thu về hơn 270 triệu đồng. Tính cả năm 2020, TONY TV sở hữu hơn 2,3 tỉ lượt xem, tương đương mức doanh thu hơn 920.000USD, tức khoảng hơn 21 tỷ đồng (1,7 tỷ đồng/tháng).
Một gương mặt nổi bật khác là Thơ Nguyễn với thu nhập khoảng 16 tỷ đồng trong năm 2020. Nhờ liên tục sáng tạo nội dung, Thơ Nguyễn đã thu về hơn 1,7 tỷ view trong năm 2020, trung bình đạt 144 triệu view/tháng. Và thành quả của lượng View khổng lồ này chính là mức doanh thu gần 700.000USD năm 2020, tương đương 16 tỷ đồng (mỗi tháng hơn 1,3 tỷ đồng), ngang ngửa nhiều đại gia hiện nay.
Nội dung video mang lại con số khủng khiếp này cho Thơ Nguyễn là đồ chơi, hướng dẫn làm các món ăn đơn giản, hướng dẫn làm đồ handmade, các thử thách vui nhộn. Tính đến thời điểm hiện nay, kênh của Thơ Nguyễn đã có hơn 8 triệu Subcribe. Đây cũng là lực lượng giúp Thơ Nguyễn tạo ra doanh thu khổng lồ đứng Top 1 trên thị trường Youtube ở Việt Nam.
Theo quy định của Luật quản lý thuế mới nhất, số thuế mỗi YouTuber trên phải đóng từ vài chục triệu lên đến hàng tỉ đồng, chẳng hạn kênh MixiGaming thu về từ 3,35 - 53 tỉ đồng, số thuế tương ứng từ 234,5 triệu đến 3,7 tỉ đồng; kênh Trấn Thành Town với thu nhập 1,6 - 25,3 tỉ đồng, có số thuế phải nộp từ 112 triệu đến 1,77 tỉ đồng...