Nhưng, điều người ta mừng hơn nữa là với nghề quấn chổi đót thủ công truyền thống này đã nuôi lớn nhiều thế hệ. Người con của làng vẫn sống bền bỉ với nghề bởi cho thu nhập cao, ổn định.
|
Bà Nguyễn Thị Mỹ (53 tuổi) chủ cơ sở sản xuất chổi Nhứt Tuấn vẫn tham gia cùng làm với nhân viên. Ảnh: H. Văn |
Nghề truyền thống có từ 100 năm trước
Ông Nguyễn Văn Thành, trưởng thôn Chiêm Sơn cho hay, cả làng hiện có khoảng 300 hộ làm nghề quấn chổi (khoảng trên 400 lao động), trong đó có 12 cơ sở lớn, doanh thu mỗi năm lên đến vài tỷ đồng. Đây cũng là nghề tạo nguồn thu nhập chính của người dân trong thôn.
Nghề có từ khoảng 100 năm trước. Đót là cây bản địa, dân làng cứ vào đầu mùa xuân, mùa đót trổ bông thì cùng nhau vào rừng bứt đót về phơi khô, bện ché mây quấn thành chổi để quét nhà cửa. Cây chổi cầm chắc tay, được bện cẩn thận nên độ bền cao. Người dân các vùng biết đến hỏi mua và trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập.
Dân làng lập một bến thờ tại cửa rừng. Cứ vào 25 tháng chạp cả làng góp lại tổ chức lễ Thượng Nêu, cấm truông (cấm vào rừng), đến ngày 7 tháng Giêng khi có lễ khai sơn mới được vào rừng bứt đót, hái củi. Di tích Dinh Ông hiện vẫn còn bệ thờ bằng đá nằm ở phía Tây Nam của làng bên dòng suối nhỏ có tên suối Truông Lấm hay suối Dinh Ông.
Trước giải phóng, một số hộ dân đã mang nghề đi khắp nơi làm kế sinh nhai, phát triển và là nguồn thu nhập chính. Hàng bó chổi đót theo các chuyến tàu vào tận TPHCM hay ra Đà Nẵng để bán. Nhiều người nhanh nhạy bắt kịp thời thế, đưa chổi qua Liên Xô (cũ) tiêu thụ.
Bà Lưu Thị Quảng (73 tuổi, trú thôn Chiêm Sơn) cho biết, từ bé bà được ba mẹ truyền dạy cách bện chổi. Công việc này không quá khó nhưng đòi hỏi có tính kiên trì, tỉ mẩn. Già trẻ đều có thể làm được.
Giữ nghề truyền thống
Điều đặc biệt là trong khi các làng nghề khác có nguy cơ rệu rã trước thời gian và thời buổi cơ chế thị trường thì người quấn chổi đót vẫn sống tốt với nghề. Người già làm các công đoạn nhẹ nhàng hơn như tước đót cũng cho thu nhập từ 80 - 100.00 đồng/ ngày; trẻ thì nhanh nhạy hơn nên thu nhập cũng cao hơn. Từng lô hàng được đóng theo các xe khách, ga tàu tỏa về khắp hang cùng ngõ hẻm.
“Tuy là sản xuất thủ công nhưng không bị yếu tố cạnh tranh thị trường. Người dân ngoài giữ bản sắc riêng là làm bằng tay thì họ cũng liên tục cập nhật sản phẩm, mẫu mã mới theo nhu cầu của thị trường”, ông Nguyễn Văn Thành, trưởng thôn Chiêm Sơn nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Thành hiện nguồn nguyên liệu để làm chổi phải nhập từ các nơi như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang thậm chí phải nhập từ Lào, khiến giá thành sản phẩm cao hơn; Sắp tới sẽ đề xuất đầu tư xây dựng vùng tập trung trồng đót, tạo điều kiện phát triển nghề.
Ông Nguyễn Nhứt Tuấn (56 tuổi), chủ cơ sở sản xuất chổi đót chia sẻ, ông gắn bó với nghề vấn chổi đót ngót 30 năm nay, và cũng nhờ nghề này giúp vợ chồng ông nuôi ba đứa con học đại học. Trước, cơ sở ông làm cả chổi đót và tơ tằm, nhưng cách đây vài năm nghề ươm tơ dệt lụa đã không còn trụ được với thị trường nên ông đành chất máy móc trong kho, tất cả nhân công làm ươm tơ chuyển hẳn sang làm chổi đót.
Hiện, cơ sở của ông có 20 lao động thường xuyên với thu nhập ổn định 3-5 triệu đồng/tháng. Ông Tuấn cũng là một trong những người tiên phong đưa chổi đót đi tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Lâu nay, cơ sở ông Tuấn và nhiều cơ sở vấn chổi khác không còn phải mang từng bó chổi đi nhiều nơi mà các bạn hàng đã tự tìm về thu mua, hoặc liên hệ qua số điện thoại rồi đóng hàng gửi xe, tàu.
Theo ông Tuấn, đã là nghề thủ công nên dù gì cũng không thể vứt bỏ yếu tố thủ công đi được. Mọi công đoạn đều phải được thực hiện trau chuốt. Có lẽ điều đó tạo nên uy tín, thương hiệu cho chổi Chiêm Sơn. Tiếng là chủ nhưng hằng ngày vợ chồng ông Tuấn vẫn cặm cụi cùng các nhân viên bện vót từng cây đót, sợi mây để bện chổi. “Nghề gì cũng vậy, làm phải có cái tâm với nghề, không yêu, không làm hết mình thì không trụ được. Với nghề này thì cái nết chăm chỉ lại càng không thể thiếu” - ông Tuấn chia sẻ.
Ông Lê Hòa - cán bộ văn phòng UBND xã Duy Trinh cho hay, tháng 7/2016 UBND tỉnh Quảng Nam công nhận làng nghề chổi Chiêm Sơn. Đây là nghề thủ công truyền thống của người dân địa phương và cho thu nhập cao, ổn định, do vậy địa phương khuyến khích, sắp tới hướng dẫn người dân thực hiện liên kết, đầu tư vay vốn mở rộng quy mô sản xuất giúp gìn giữ và phát triển nghề.