Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh theo phương thức đa cấp đang thực hiện tuyển dụng nhân viên với biểu hiện trái pháp luật.
Nhóm người mà các DN này nhắm đến thường là người có nhu cầu tìm việc làm hoặc sinh viên muốn đi làm thêm.
Cụ thể, các DN này sẽ đăng các nội dung quảng cáo trên phương tiện Internet như website về việc làm, Zalo, Facebook…tuyển dụng nhân sự với các tiêu chí dễ đáp ứng cùng mức thu nhập hấp dẫn.
Đơn cử như các mẫu tuyển dụng: "Tuyển nhân viên kinh doanh lương 10 triệu/tháng không cần kinh nghiệm và bằng đại học, thời gian làm việc linh động". Hay "Tuyển cộng tác viên online, làm ca 4 tiếng/ngày thu nhập 6 triệu/tháng chưa kể hoa hồng"…
|
Tiêu chí tuyển dụng dễ đáp ứng, việc nhẹ, lương cao... là cách tuyển dụng của các DN kinh doanh đa cấp. Ảnh: T. Hà |
Với mức lương và tính chất công việc này, những người có muốn kiếm tiền dễ dàng "sập bẫy".
Theo đó, khi các ứng viên nộp hồ sơ và được hẹn phỏng vấn thì những nhân viên của DN này không quá chú tâm vào công việc mà lại tiếp cận để hỏi han về hoàn cảnh gia đình, làm thân và lấy sự tin tưởng của người đang tìm việc.
Đồng thời, họ vẽ ra một tương lai tươi sáng với thu nhập hàng trăm triệu/tháng cùng những chuyến du lịch, đào tạo tại nước ngoài khiến các ứng viên muốn tham gia.
Sau đó, nhân viên tuyển dụng sẽ dùng nhiều biện pháp kể cả dụ dỗ và ép buộc người xin việc nộp các khoản tiền rất lớn với nhiều lý do như phí đào tạo kỹ năng bán hàng, mua tài liệu kinh doanh… hoặc bị yêu cầu mua một gói sản phẩm ban đầu để đầu tư hay "gia nhập" DN .
Sau khi đã nộp tiền, người được tuyển dụng có thể nhận được một khoản hoa hồng nhỏ để khuyến khích tuyển thêm người khác, hoặc chính họ tiếp tục nộp thêm tiền có vị trí kinh doanh với mức hoa hồng cao hơn.
Cục CT&BVNTD cho hay, thực chất công việc của họ chỉ là tuyển được thêm người, bán hàng hóa với mức giá cao vô lý hoặc nộp thêm nhiều tiền nữa lên cấp bậc.
Nếu không làm các công việc trên thì họ cũng không nhận thêm được bất kỳ các khoản thu nhập nào. "Theo đó trong trường hợp muốn khiếu nại về các khoản phí đã nộp, nạn nhân thường không có các chứng từ giao dịch với DN, các biên lai hay phiếu thu nộp tiền đều không có dấu của DN"- Cục CT&BVNTD lưu ý.
Do đó, để hạn chế những thiệt hại không đáng có cho người dân và có biện pháp xử lý đối với những DN bán hàng đa cấp có những hành vi nêu trên, Cục CT&BVNTD lưu ý, người dân cần kiểm tra Giấy chứng nhận kinh doanh đa cấp của DN đang tuyển dụng.
Ngay cả trong các giao dịch đối với DN bán hàng đa cấp đã được cấp Giấy chứng nhận, ứng viên vẫn cần ký và lưu giữ hợp đồng bằng văn bản với DN bán hàng đa cấp.
Đặc biệt, trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp, người tham gia cần phải từ chối các giao dịch không đảm bảo các yếu tố rõ ràng. Tiêu biểu như nộp tiền thanh toán cho DN nhưng đối tượng nhận chuyển khoản lại là số tài khoản của cá nhân, nộp tiền mua hàng nhưng không có hóa đơn đỏ, biên lai có dấu DN…