Không bao giờ xoá được tín dụng đen

Google News

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho rằng tín dụng tiêu dùng không bao giờ xóa được tín dụng đen.

Tín dụng đen luôn luôn tồn tại bởi trong nền kinh tế luôn luôn có những ông sẵn sàng đánh bạc. Đã đánh bạc thì sẽ sẵn sàng tiếp cận tín dụng đen. Có cầu ắt sẽ có cung. Chính vì vậy, tín dụng tiêu dùng đẩy lùi tín dụng đen đã là một thành công.
Sáng nay (15.3), Báo đầu tư tổ chức tọa đàm "Phát triển tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen". Đây cũng là năm thứ 3, báo đầu tư tổ chức tọa đàm về hoạt động cho vay tiêu dùng.
Không thể đẩy lùi hoàn toàn được tín dụng đen
Nhìn nhận về thị trường tín dụng tiêu dùng hiện nay của Việt Nam, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ: "Sự nổi lên của tầng lớp thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thập niên qua đã kéo theo thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng, đó chính là: không nhất thiết phải là “tiết kiệm trước, tiêu sau”, mà có thể là “vay mua trước, trả sau”.
Như vậy, cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu chi tiêu/tiêu dùng hiện đại, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng hiện đại, tổ chức tài chính chính thức, giúp người dân có thêm lựa chọn thay vì tìm đến tín dụng phi chính thức.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cũng cho rằng tín dụng tiêu dùng tăng nhanh do tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Trong trung hạn, tín dụng tiêu dùng có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ thu nhập tăng lên.
Khong bao gio xoa duoc tin dung den
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước 

Các nhà cung cấp dịch vụ phát triển nhanh khiến nguồn cung, độ bao phổ nhanh, góp phần giảm bớt tín dụng đen. Không có tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính hiện nay, không biết tín dụng đen còn hoành hành như thế nào, ông Tú Anh nhận xét.
Cũng phải nói thêm rằng, tín dụng tiêu dùng mang lại cơ hội cho người dân cơ hội được tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ trước và trả tiền sau, giúp tối đa hóa việc sử dụng dòng tiền/thu nhập của mình theo thời gian. Tín dụng tiêu dùng không chỉ là tiêu sản, mà còn là tài sản giúp mang lại cơ hội kinh doanh, sản xuất hàng hóa cho người dân và hộ gia đình.
Ông Tú Anh nói, “Hiện nay, các khoản vay để mua nhà và sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tín dụng tiêu dùng (khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng), sau đó đến các khoản vay mua đồ gia dụng, hàng hóa lâu bền, phương tiện đi lại như ô tô, xe máy (khoảng 15-20%).
Điều này cho thấy tín dụng tiêu dùng có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ mua sắm các tài sản lưỡng dụng của hộ gia đình, cá thể tự doanh”.
Ông Tú Anh khẳng định, tín dụng tiêu dùng vẫn còn dư địa lớn để phát triển trong thời gian tới và là động lực giảm bớt việc người dân tiếp cận vốn qua tín dụng đen. Qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
“Tôi cũng phải nói rằng, tín dụng tiêu dùng không bao giờ xóa được tín dụng đen. Tín dụng đen luôn luôn tồn tại bởi trong nền kinh tế luôn luôn có những ông sẵn sàng đánh bạc. Đã đánh bạc thì sẽ sẵn sàng tiếp cận tín dụng đen. Có cầu ắt sẽ có cung. Chính vì vậy, tín dụng tiêu dùng đẩy lùi tín dụng đen đã là một thành công”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Không thể đánh đồng tín dụng đen và tín dụng tiêu dùng
Dưới góc nhìn của mình, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho hay, cho vay tiêu dùng chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1995, nhưng phát triển mạnh trong khoảng gần 10 năm trở lại đây.
Kênh tín dụng tiêu dùng giảm bớt tín dụng đen, góp phần làm thị trường tài chính phong phú hơn. Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt là quan niệm lệch lạc của người dân khi cho rằng tín dụng tiêu dùng là tín dụng đen.
“Kiến thức về tài chính-tín dụng của người dân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam còn hạn chế dẫn tới quan niệm lệch lạc khi cho rằng tín dụng tiêu dùng là tín dụng đen. Quan điểm này là không công bằng”, ông Lực nhấn manh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty FE Credit, cho biết khi nghe đến tiêu dùng là có gì xấu khi cả xã hội đề cao tiết kiệm. Nhưng thực tế, đây là một trong ba thành phần kinh tế. Tín dụng tiêu dùng hay tín dụng hộ gia đình giúp giảm thiểu tín dụng đen và phi chính thức.
Khong bao gio xoa duoc tin dung den-Hinh-2
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty FE Credit 
Ông Phúc cũng cho rằng, không xoá được tín dụng đen mà chỉ có thể làm tốt hơn ở những hoạt động chính thức. Tuy nhiên, các công ty cho vay tiêu dùng như FE Credit đang gặp khó khi thị trường đánh đồng tín dụng tiêu dùng, tín dụng của các công ty tài chính, tín dụng của các ngân hàng với tín dụng phi chính thức bởi vì nhiều người cho rằng đâu đó các công ty tài chính cho vay lãi suất quá cao
Ông Phúc nói, “Vì sao chúng tôi cho vay cao? Điều này không chỉ đúng đối với từng tổ chức tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam, mà còn phù hợp với thị trường tín dụng tiêu dùng trên thế giới. Tuy nhiên, để đánh giá mức lãi suất cho vay tiêu dùng của tổ chức tín dụng là cao hay thấp thì cần có những phân tích khách quan, cụ thể về đặc thù ngành, bản chất hoạt động và các yếu tố cấu thành hay chi phí vốn của lãi suất”
Phó tổng giám đốc Công ty FE Credit phân tích, “Theo quy định pháp luật hiện hành (Nghị định 39/2014/NĐ-CP ngày 07/05/2014), khác với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng bị hạn chế tiếp cận với các nguồn vốn chi phí thấp do không được phép thực hiện hoạt động huy động tiền gửi dân cư.
Thay vào đó, để có nguồn vốn hoạt động, các tổ chức tín dụng tiêu dùng buộc phải sử dụng vốn tự có hoặc phát hành giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu) để huy động vốn của các doanh nghiệp, tổ chứckhác với chi phí cao hơn hẳn. Vì thế mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng tiêu dùng sẽ ở một mức cao hơn để có thể bù đắp được chi phí vốn.
Chưa kể, do đặc thù sản phẩm tín dụng tiêu dùng là giá trị khoản vay nhỏ lẻ, trong khi thủ tục vay, khởi tạo khoản vay, thu hồi nợ đều tuân thủ theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nước dẫn đến chi phí vận hành, nhân lực và vật lực tăng, cho nên tỷ lệ chi phí trên từng đồng vốn cao.
Trong khi rủi ro cho vay cũng không hề nhỏ. Đối tượng khách hàng của tín dụng tiêu dùng là các khách hàng “dưới chuẩn” có độ tín nhiệm thấp với mức thu nhập ở mức trung bình - thấp, tình hình tài chính không ổn định, không có tài sản đảm bảo nên mức độ rủi ro đối với các khoản vay tiêu dùng tín chấp sẽ cao hơn so với vay thế chấp tại các ngân hàng. Như vậy mức lãi suất cao hơn so với ngân hàng nhằm dự phòng cho các khoản rủi ro tín dụng là điều hợp lý”.
Theo L.T/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)