Đó là chia sẻ của anh Trần Văn Thọ (SN 1992), trú tại xã Hoà Thuận, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) về những ngày đầu tiên lấn sân sang thú chơi cây bonsai cổ thụ của mình.
Anh Thọ cho biết, trước khi làm cây cảnh, anh đang làm nhà thiết kế, tạo mẫu tóc và sở hữu một salon tóc với thu nhập ổn định. Hơn 16 năm làm tóc, khi có một chút vốn liếng, anh bắt đầu đi sưu tầm và mua cây về chơi.
“Ngày xưa, ba mình cũng là người chơi cây bonsai nhưng chỉ là những cây bé, theo kiểu đam mê thôi. Mình cũng yêu thích bonsai nên ban đầu chỉ chơi những cây bonsai nho nhỏ, có giá khoảng vài triệu đồng trồng ở trong chậu”, anh Thọ kể.
Với niềm đam mê cây cảnh, anh Thọ đã bắt đầu chơi những cây nhỏ, giá chỉ vài triệu đồng.
Sau khi chơi các loại cây bonsai nhỏ, anh Thọ được gặp những cây cổ thụ to lớn, thấy được vẻ đẹp của nó, anh bắt đầu có ý tưởng sử dụng những cây cổ thụ ngoài thiên nhiên để tạo thành cây bonsai lớn.
Thời điểm đó, ở khu vực của anh, chưa có ai chơi cây quá lớn như vậy vì giá trị cao. Khi trồng, vận chuyển đều rất khó khăn và mất nhiều thời gian chăm sóc, tạo tác mới thấy được giá trị của từng cây.
“Khi đưa một cây to như vậy ở ngoài tự nhiên về trồng trong chậu thì phải có kỹ thuật cao, có nhiều kinh nghiệm thì cây mới sống. Nếu cây chết sẽ mất cả tiền lẫn công sức. Những ngày đầu, khi tôi đưa về những cây đầu tiên và có hiện tượng bị chết, mất từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng thì gia đình phản đối, lời ra tiếng vào nhiều lắm”, anh Thọ kể.
Vừa mất tiền lại bị nhiều người ngăn cản nhưng anh Thọ không nản chí, càng khó lại càng thôi thúc anh chinh phục bằng được mọi khó khăn. Tự mình tìm những cây lớn về, tự tạo tác.
Anh Thọ đã chọn cho mình hướng khởi nghiệp từ những cây bonsai cổ thụ.
Khoảng 2-3 năm sau, khi những cây anh mang về được nhiều người yêu thích, ngỏ ý muốn chia sẻ lại, mọi người mới nhìn thấy được tiềm năng và giá trị của những việc anh đang làm và ủng hộ, hỗ trợ hết mình.
Để có được những cây cổ thụ nhiều năm tuổi, anh phải rong ruổi khắp nơi tìm kiếm, nhờ mọi người thấy ở đâu có cây đẹp thì liên hệ với anh đến mua. Từ các tỉnh lân cận đến miền Trung, miền Nam, thậm chí anh sang cả Lào, Thái Lan, Campuchia để mua cây tự nhiên về trồng làm cảnh.
Trong số hàng trăm cây trong vườn, đủ các loại cây bonsai từ cây khế, cây me, vú sữa, tre mà anh Thọ đang sở hữu, cây có giá trị cao nhất phải kể đến cây khế chua được anh mua năm 2020 tại Phú Yên.
Anh Thọ cho biết, cây khế này là dòng khế gân, được anh mua lại ở Đồng Xuân (Phú Yên) cách đây khoảng 5 năm.
Cây khế chua cổ thụ được anh Thọ hồi sinh sau trận lũ lớn.
“Năm 2009, Phú Yên có một trận lũ lớn và cây khế này bị bốc gốc, ngã xuống suối, gần chục năm liền bị đất đá lấp khoảng 60% cây, bên trên là tre nứa phủ kín mít. Nghe tin ở đó có cây khế cổ thụ thì tôi đến ngay, liên hệ với chủ cây để làm thủ tục mua bán và xin phép chính quyền khai thác”, anh Thọ nói.
Do địa hình khó khăn, anh Thọ phải nhờ 5 người cùng máy cẩu và ô tô làm liên tục 3 ngày 3 đêm mới có thể mang cây khế về. Sau gần 5 năm chăm sóc, cây khế như được hồi sinh, cành tán bắt đầu vào dáng rất đẹp và phóng khoáng, đã từng có người hỏi mua cây khế này với giá trên 2,5 tỷ đồng nhưng anh Thọ không bán.
“Độ quý hiếm là một, thời gian là hai, phải mất hàng trăm năm, cả ngàn cây mới có một cây đặc sắc như thế này, vậy nên tôi chưa có ý định bán”, anh Thọ nói.
Gốc khế được trả trên 2,5 tỷ đồng nhưng anh Thọ không bán.
Chỉ vào gốc khế cao khoảng 3,5 mét, nổi u cục sần sùi từ gốc lên đến ngọn, anh Thọ cho biết, đây được coi là gốc khế chua đẹp nhất Thái Lan, anh mua với giá hơn 700 triệu đồng.
Khi biết đến cây khế này, để tiếp cận với chủ cây đã khó, việc vận chuyển một cây cổ thụ nặng đến hơn 3,5 tấn từ Thái Lan về Việt Nam không phải chuyện dễ, vừa tốn công sức, tiền của lại mất rất nhiều thời gian.
“Để mua được cây, bắt buộc mình phải tạo dựng mối quan hệ, đến nhà người dân để vận động họ bán. Khi họ đồng ý bán rồi, mình phải xin phép chính quyền địa phương để mua cây và di chuyển cây về biên giới Thái Lan, sang Lào rồi mới về đến Việt Nam”, anh Thọ phân tích.
Với một cây “khổng lồ”, mỗi lần di chuyển phải cần xe cẩu để mang lên mang xuống, thêm xe ô tô tải, xe nâng. Từ Thái Lan về Việt Nam, anh Thọ mất khoảng 10 lần mang cây lên và xuống, đổi xe như vậy, vừa tốn kém vừa vất vả.
Anh Thọ hiện sở hữu hàng chục cây bonsai có giá từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng.
Khó khăn là vậy, nhưng nhiều chuyến đi xa, anh Thọ còn chấp nhận mất tiền cọc vì cây ngoài thực tế không được như mong muốn. Đơn cử như chuyến đi Campuchia vừa qua. Khi anh thấy mọi người nói ở bên đó có một cây me cổ thụ rất đẹp, họ gửi ảnh cây, anh liền đồng ý mua với giá 260 triệu đồng và đặt tiền cọc trước. Sau khi di chuyển qua và đưa anh em vào khai thác thì mới thấy thân cây bị mối ăn và bị hư, rỗng bên trong, giá trị của cây không còn nguyên vẹn nên anh chấp nhận mất cọc, không mua nữa.
Theo anh Thọ, điều cần nhất khi làm cây cảnh, nhất là cây cảnh cổ thụ chính là phải có đam mê. Bởi vì đưa một cây về nhà chăm sóc, phải mất ít nhất 5 đến 10 năm mới tạo tác ra được những tay cành, bộ tán khiến cây ngày càng đẹp hơn và khi đó, cây mới có giá trị tinh thần cũng như kinh tế cao.
Đến nay, trong khu vườn 2.000m2 của gia đình, anh Thọ có khoảng 100 gốc bonsai. Trong đó, có khoảng 60 gốc bonsai cổ thụ, 25 gốc có giá trị từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Vừa sưu tầm cây, vừa chia sẻ lại cho những người có cùng đam mê, anh Thọ đã mang về doanh thu từ 3-4 tỷ đồng/năm, chưa trừ chi phí từ công việc này.