“Khai tử” thẻ ATM từ sau 31/12, người dùng cần lưu ý gì?

Google News

Sau 31/12/2021, thẻ ATM từ sẽ không được sử dụng trên toàn quốc. Khách hàng nên đăng ký hỗ trợ để được cấp thẻ chip trong thời gian sớm nhất.

Thẻ ATM từ được thay thế bằng thẻ chip
Theo thông tư 41/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, thẻ ATM từ sẽ không được chấp nhận tại các điểm giao dịch trên toàn quốc từ sau ngày 31/12/2021.
Vừa qua, nhiều ngân hàng bắt đầu gửi thông báo, khuyến cáo đến khách về việc ngừng hỗ trợ các thẻ ATM từ.
Trước đó, từ ngày 31/3/2021, để tăng tính bảo mật cho khách hàng, các ngân hàng đã dừng phát hành thẻ từ ATM cũ và thay thế hoàn toàn bằng thẻ chip mới. Thẻ chip mới sẽ chứa những công nghệ có tính bảo mật cao hơn để đảm bảo quyền lợi cho người dùng.
“Khai tu” the ATM tu sau 31/12, nguoi dung can luu y gi?
 Thẻ ATM từ sẽ được thay bằng thẻ chip sau ngày 31/12/2021. Ảnh minh hoạ
Thẻ ATM gắn chip mới vẫn có kích thước giống như thẻ cũ là chiều dài: 85.60mm X chiều rộng: 53.98mm. Tuy nhiên, thẻ ATM gắn chip có bảo mật cao hơn so với thẻ cũ ATM cũ vì thẻ ATM cũ nhận thông tin bằng dải từ phía sau, và nó không được mã hoá còn thẻ chip với con chip nằm ở mặt trước thẻ giúp mã hóa thông tin để tăng bảo mật dữ liệu. Thông tin cá nhân sẽ được mã hoá theo dãy số nhị phân của máy tính và liên tục được thay đổi.
Lưu ý chuyển đổi thẻ ATM từ sang thẻ chip
Song song với việc chấm dứt phát hành thẻ từ, các ngân hàng cũng đang chạy đua nước rút chuyển đổi sang thẻ chip nội địa nhằm bảo đảm thực hiện đúng lộ trình. Vì vậy, người dùng thẻ cần lưu ý thực hiện chuyển đổi ngay những thẻ cũ chưa gắn chip để có thể duy trì các hoạt động thanh toán, không bị gián đoạn.
Hiện tại, có 2 cách phổ biến để đổi thẻ từ sang thẻ chip. Cách thứ nhất, khách hàng chỉ cần mang CMT/ Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân còn hiệu lực đến điểm giao dịch của ngân hàng và đề nghị chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.
Cách thứ hai, khách hàng có thể truy cập vào ứng dụng ngân hàng số, mobile banking để thực hiện và nhận thẻ tại nhà hoặc tại điểm giao dịch của ngân hàng.
Để thúc đẩy khách hàng đổi thẻ từ sang thẻ chip, một số ngân hàng như Techcombank, SHB, Nam A Bank...vẫn đang triển khai miễn phí chuyển đổi cho khách hàng từ nay cho tới cuối năm.
“Khai tu” the ATM tu sau 31/12, nguoi dung can luu y gi?-Hinh-2
 Nhiều ngân hàng đang miễn phí đổi thẻ ATM từ sang thẻ gắn chip cho khách hàng. Ảnh minh hoạ
Ngoài ra, một vài ngân hàng đã dừng chương trình khuyến mãi như PVComBank chỉ áp dụng miễn phí đến 30/9/2021, Agribank và Kielongbank đến 15/11/2021. Mức phí chuyển đổi phổ biến sau thời hạn này là 50.000 đồng. Sacombank sẽ kết thúc việc miễn phí chuyển đổi vào ngày 20/12 tới đây, sau đó sẽ thu phí 49.000 đồng.
Để bảo quản thẻ ATM gắn chip, khách hàng cần lưu ý không để thẻ chip gần các vật sắc nhọn như dao kéo… và bảo quản chúng trong ví mềm để tránh hư hỏng chip; không bẻ, uốn cong thẻ vì có thể làm sai lệch các thông tin do chip có các mạch điện tử bên trong; bảo quản thẻ ở nơi ở nhiệt độ thường vì thẻ được cấu tạo từ nhựa cứng nên có thể nhanh hư hỏng nếu ở điều kiện không phù hợp.
Nhằm tránh mất phí quá cao khi thực hiện giao dịch với thẻ chip, khách hàng lưu ý rút tiền tại ATM trong hệ thống; chuyển khoản trong nội bộ hệ thống qua máy ATM.
Việc sử dụng quen thẻ từ khiến không ít khách hàng lo lắng khi các ngân hàng chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Trên thực tế, cách sử dụng thẻ chip cũng không có quá nhiều khác biệt so với thẻ từ. Người dùng vẫn có thẻ sử dụng thẻ chip thực hiện các giao dịch thanh toán tại cửa hàng, siêu thị hay rút tiền nhanh chóng tại các điểm rút tiền tự động ATM.
Đáng chú ý, thẻ gắn chip có thể mua hàng online dùng trên toàn cầu. Tuy nhiên, phí duy trì thẻ hàng năm có thể cao hơn thẻ từ, tùy vào mỗi ngân hàng.

Thẻ chip còn được gọi là "thẻ thông minh". Thẻ có gắn một vi mạch trên bề mặt thẻ. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa thẻ chip và thẻ băng từ. Đối với thẻ chip, dữ liệu giao dịch gồm dữ liệu được lưu cố định tại chip (mặt trước thẻ) và mật mã giao dịch thay đổi theo mỗi giao dịch.

Cụ thể, mỗi khi thẻ chip được dùng để thanh toán thì chip sẽ tạo ra một mã giao dịch độc nhất và không bao giờ lặp lại. Trong trường hợp thẻ của khách hàng bị đánh cắp thông tin từ một cửa hàng nào đó, chiếc thẻ giả sẽ không bao giờ hoạt động vì mã giao dịch bị trộm sẽ không dùng lại được, chiếc thẻ đó sẽ bị từ chối.

V ideo: Giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo. Nguồn: VTV24



Hoàng Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)