Buổi sáng Thứ 6, sau khi đón chuyến hàng toàn các loại đặc sản Tây Bắc gom mua ở chợ phiên về cửa hàng, chị Lê Thị Nhã ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) đăng tải dòng trạng thái “15kg hoa ban đã về. Mình ưu tiên trả đơn khách đặt trước, còn lại khất nợ sang chuyến kế tiếp” lên trên trang faecbook của mình.
Dù là thông báo khất nợ nhiều đơn hàng, nhưng chỉ sau chưa đầy 1 giờ đồng hồ đăng tải, bên dưới đã có vài chục khách đặt mua hoa ban. Khách ít thì 0,5-1kg, khách nhiều mua 2kg.
Chị Nhã cho biết, vào tháng 3 hoa ban thường nở trắng trời Tây Bắc. Đây là loại hoa đặc sản ở các tỉnh miền núi. Cứ mùa hoa nở, bà con ở các bản làng tranh thủ hái đem chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, cũng có người hái đem ra chợ phiên bán. Chị gom mua chuyển xuống Hà Nội, bởi nhiều người cũng muốn mua để thưởng thức loại hoa này.
|
Hoa ban trở thành loại đặc sản của vùng Tây Bắc, người dân có thể hái chế biến thành nhiều món ăn. |
Song, do hoa ban cánh mỏng, lại là hàng tươi nên dễ dập nát. Chưa kể đường xa, vận chuyển được xuống Hà Nội tỷ lệ hao hụt cao. Đây cũng là lý do hoa ban có giá khá đắt đỏ, lên tới 120.000-150.000 đồng/kg tuỳ thời điểm.
“Dù vậy, khách vẫn xếp hàng đặt mua. Như hôm nay, chia hết 15kg hoa ban này giao cho khách đặt, tôi nhẩm tính còn khoảng 60-70 đơn nữa sẽ nợ lại”. Theo chị, khách đặt nhiều nhưng hoa bán về theo chuyến, lượng hàng phụ thuộc vào đầu mối trên chợ phiên gom được ít hay nhiều. Có những ngày gom được chưa đến 10kg, nhưng cũng có ngày trên 20kg.
Chị Nguyễn An Hiền, bán đặc sản Tây Bắc online Đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), cho biết, với bà con người Thái ở trên Sơn La thì hoa ban là đặc sản. Vào mỗi mùa hoa nở, họ thường hái về tách bỏ đài, chỉ lấy phần nhuỵ và cánh hoa rồi rửa sạch, đem trần qua với nước nóng sau đó chế biến thành nhiều món ăn như: nộm hoa ban, xào tỏi, xào măng, hoa ban nấu canh gà hoặc thịt băm... Thậm chí, hoa có thể làm rau ăn sống.
Hoa ban đều được thu hái từ tự nhiên, hàng rất sạch. Khi ăn sống có vị ngọt, còn nấu chín sẽ cảm thấy vị bùi bùi, ngầy ngậy xen với vị ngọt lúc ăn. Do đó, hoa ban trở thành món ăn quen thuộc của bà con vùng dân tộc trên Sơn La. Với người dân Hà Nội thì món ăn chế biến từ loại hoa này vẫn khá lạ.
|
Vào tháng 3, hoa ban thường nở trắng vườn đồi ở vùng Tây Bắc. |
|
Tại Hà Nội loại hoa này được bán với giá khá đắt đỏ. |
Trên Tây Bắc, thời điểm này hoa ban nở phủ trắng vườn đồi, toả hương thơm ngát. Theo chị Hiền, do là cây thân gỗ khá cao nên việc thu hái hoa tương đối khó. Chưa kể, hoa ban nhẹ, để hái được 1kg mất rất nhiều thời gian.
Cùng với đó, dân bản hái ăn thừa mới đem đi bán. Vì vậy, hoa gom được không nhiều, đa phần chỉ được vài cân mỗi ngày. Số lượng này chỉ đủ chị Hiền trả các đơn khách đặt, thậm chí không đủ trả đơn dù ngày nào hoa ban cùng các loại rau khác cũng được chuyển xuống Hà Nội, chị hoa hay.
Không chỉ có giá đắt đỏ, chị Hồ Quỳnh Chi ở Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thừa nhận, để mua được hoa ban chị còn phải “xếp hàng” chờ tới 5 ngày. Bởi chủ hàng quá tải khách đặt nên khách order (đặt hàng) trước được ưu tiên trả hàng trước.
“Cách đây 2 năm, lần đầu tiên tôi được ăn món nộm hoa ban và hoa ban xào thịt gà trong một lần đi lên Sơn La. Cảm thấy rất ấn tượng, mùi vị vẫn nhớ đến tận bây giờ nhưng khi đó ở Hà Nội tìm mua quá khó”. Chị Chi chia sẻ, dịp này có người bán, chị đặt ngay 1,5kg. Số hoa này chị cất bớt 1/3 để bữa sau nấu bát canh. Còn hôm nay, chị quyết định chơi sang làm một đĩa hoa ban xào tỏi để cả nhà cùng thưởng thức.
Hiện một số cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội đang rao bán hoa ban với giá dao động từ 120.000-150.000 đồng/kg. Song, khách muốn mua thường phải đặt trước và chờ khá lâu. Các chủ hàng cho biết, lượng hoa ban về thường trong tình trạng hàng không đủ trả đơn.