Mới đây, trang thông tin điện tử Cục Thuế tỉnh Thái Bình đăng tải công khai 12 quyết định cưỡng chế của Cục Thuế tỉnh đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen, với số tiền gần 219,4 tỷ đồng (tương đương gần 70% vốn điều lệ của doanh nghiệp).
Hiệu lực từ ngày 10/12/2024 đến ngày 8/1/2025. Biện pháp cưỡng chế là trích tiền từ tài khoản tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng.
|
12 quyết định cưỡng chế đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen. (Ảnh chụp màn hình). |
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen tiền thân là Tổ hợp Dệt nhuộm cao cấp Tân Phương, thành lập vào năm 1981 tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Năm 2009, công ty chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen, có trụ sở tại số 18, đường Trần Thái Tông, phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia.
Theo VietnamFinance, cổ đông sáng lập Tập đoàn Hương Sen gồm có: Ông Trần Văn Sen góp 95,53 tỷ đồng (tỷ lệ 41%); Lê Thị Báp góp 46,6 tỷ đồng (tỷ lệ 20%); Trần Văn Hà góp 15,145 tỷ đồng (tỷ lệ 6,5%); Trần Thị Ngọc Bích góp 15,145 tỷ đồng (tỷ lệ 6,5%); Trần Thị Hoài góp 15,145 tỷ đồng (tỷ lệ 6,5%); Trần Kim Chi (Ngọt) góp 15,145 tỷ đồng (tỷ lệ 6,5%); Trần Văn Công góp 15,145 tỷ đồng (tỷ lệ 6,5%) và Đỗ Văn Vẻ góp 15,145 tỷ đồng (tỷ lệ 6,5%).
Cập nhật thay đổi vào ngày 3/7/2023, công ty nâng vốn điều lệ từ 233 tỷ đồng lên 315 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn không được đề cập.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen là ông Trần Văn Sen (sinh năm 1940), giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.