Vốn là người yêu thích và đam mê nuôi gà rừng cảnh, anh Nguyễn Ngọc Sỹ, xã Tam Quan (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã thuần hóa và phát triển mô hình nuôi gà rừng tai trắng với quy mô hơn 250 con.
Mô hình nuôi loài động vật hoang dã này không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần bảo tồn giống gà rừng tai trắng ở Việt Nam.
Năm 2012, tình cờ trong lần đi mua cây sưa ở tỉnh Thanh Hóa, anh Sỹ bị thu hút bởi những con gà rừng có bộ lông sặc sỡ, chiếc mào đỏ chót và đôi tai trắng khác biệt do người dân địa phương bẫy được trong núi đem về nuôi.
Qua tìm hiểu, anh nảy ra ý tưởng phát triển mô hình nuôi giống gà này để làm giàu.
Ban đầu, anh nuôi 10 cặp gà giống bố mẹ, sau đó, số lượng gà cứ tăng lên và trở thành mô hình phát triển kinh tế mới hiệu quả.
Gà rừng tai trắng sống ở nhiều cánh rừng. Buổi tối, gà tìm đến những cây cao dưới 5m có tán lớn để ngủ.
Gà rừng trống khi trưởng thành có bộ lông màu đỏ, chân chì, cựa dài nhọn, đôi tai màu trắng rất bắt mắt; con mái có bộ lông xỉn và kích thước nhỏ hơn.
Thời kỳ sinh sản của gà rừng khoảng tháng 3, mỗi lứa đẻ 5 - 10 trứng, ấp 21 ngày nở gà con. Đặc tính của giống gà này là nhút nhát nhưng rất tinh khôn và khó tiếp cận.
Chỉ cần nghe tiếng động là chúng bay đi. Vì vậy, nếu không biết cách chăm sóc và nuôi dưỡng thì rất khó nuôi.
Để thuần hóa được gà rừng tai trắng và tạo môi trường tốt nhất cho gà phát triển, anh Sỹ tìm hiểu tập tính của gà rừng.
Anh Sỹ làm giàn đậu cho gà ngủ vào ban đêm; áp dụng phương pháp nuôi thả dưới các tán cây, tán rừng có nhiều cỏ dại của gia đình là 4 mẫu vườn đồi; trồng thêm các loại rau xanh để chủ động nguồn thức ăn tự nhiên cho gà.
Khi gà còn nhỏ, anh xây dựng chuồng trại rộng rãi, thoáng mát vào mùa Hè và ấm áp vào mùa Đông để gà có thể tự do bay nhảy.
Điều này không chỉ tạo được không gian sống giống với môi trường tự nhiên hoang dã mà còn giúp gà rừng vận động nhiều, thịt săn chắc và dai hơn.
Tiếp tục tăng đàn, năm 2020, anh Sỹ vào tỉnh Bình Dương, Bình Phước mua thêm giống gà rừng tai trắng đem về lai tạo, nhân giống.
|
Anh Nguyễn Ngọc Sỹ, xã Tam Quan (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã thuần hóa thành công gà rừng vốn là loài động vật hoang dã và phát triển mô hình nuôi gà rừng tai trắng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lượng. |
Nhờ tỉ mỉ trong các khâu chăm sóc, thực hiện đúng theo các bước hướng dẫn, đến nay, đàn gà rừng của gia đình anh cơ bản được thuần hóa, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thời tiết ở địa phương.
Theo anh Sỹ, nuôi gà rừng tai trắng khó nhất là giai đoạn chăm sóc gà con 1 - 2 tháng tuổi. Đây là thời điểm gà mẫn cảm với thời tiết nên cần đảm bảo nhiệt độ phù hợp, nước uống đầy đủ và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ...
Một yếu tố quan trọng khi nuôi gà rừng là trang trại phải có nhiều cây cối, vừa tạo bóng mát, vừa có chỗ cho gà trú ngụ cả ngày lẫn đêm.
Hiện, trang trại của anh Sỹ nuôi hơn 250 gà rừng đã thuần chủng. Gà chỉ ăn các loại thức ăn dân dã trong tự nhiên như quả đa, quả si, hạt cỏ dại, cây lương thực, thóc ngô, các loài động vật nhỏ, mối, kiến, giun đất, châu chấu... mà không ăn cám công nghiệp nên có sức đề kháng tốt, bộ lông đẹp, thịt chắc và thơm.
Gà rừng giống sau khi ấp nở sẽ được nuôi khoảng 2,5 tháng, xuất bán với giá 500.000 đồng/đôi. Gà rừng nuôi từ 12 - 14 tháng đạt trọng lượng 1-1,5 kg/con, giá bán dao động từ 300 - 500 nghìn đồng/kg. Những con gà rừng trống đẹp có giá bán từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg.
Do nhu cầu thị trường ngày càng cao nên dù anh Sỹ liên tục mở rộng diện tích và tăng đàn nhưng vẫn không đủ nguồn cung ra thị trường.
Trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất bán 400 con gà rừng các loại, thu được 150 triệu đồng. Ngoài giá trị thương phẩm, nhiều người còn đặt hàng những con gà rừng đẹp về nuôi làm cảnh như một thú vui tao nhã.
Thu nhập từ nuôi gà rừng tai trắng giúp anh Sỹ có điều kiện trang trải cuộc sống và nuôi các con học Đại học.
Ông Lưu Văn Hương, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Mô hình nuôi gà rừng tai trắng của anh Sỹ bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật, đúc rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời tích cực phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng các mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ, gắn phát triển chăn nuôi với du lịch, dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.