Zhou Qunfei, CEO 48 tuổi của tập đoàn Lens Technology, đã xây dựng một đế chế sản xuất kính cường lực và màn hình cho những gã khổng lồ công nghệ như Tesla, Apple và Samsung. Nhưng chắc chắn hành trình bà xây dựng được công ty đạt tới đỉnh cao hiện nay không phải là một chuyến đi dễ dàng.
“Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn và thất bại khi bắt đầu khởi nghiệp và trở thành một doanh nhân”, nữ tỷ phú nói với CNBC. “Nếu tôi bỏ cuộc thì sẽ không thể có Zhou Qunfei hay Lens Technology của ngày hôm nay”.
Nữ tỷ phú gặp phải rất nhiều khó khăn ngay từ những ngày còn thơ ấu. Cha của Zhou, một thợ thủ công lành nghề, đã bị mù và mất một ngón tay trong một tai nạn nhà máy trước khi bà chào đời và mẹ Zhou mất khi bà mới 5 tuổi. “Tôi phải liên tục nghĩ về bữa ăn tiếp theo của mình và làm thế nào để tôi có một bữa no bụng”, nữ tỷ phú chia sẻ.
Năm 1986, ở tuổi 16, Zhou bỏ học cấp ba để làm công nhân lắp ráp trong một nhà máy sản xuất ống kính đồng hồ. Bà tham gia lớp học kế toán vào ban đêm với mơ ước khởi nghiệp kinh doanh riêng.
|
Bà Zhou từng bỏ học cấp ba để làm công nhân lắp ráp trong một nhà máy sản xuất ống kính đồng hồ (nguồn: CNBC) |
Đến năm 1993, bà tiết kiệm được 20.000 đô la Hồng Kông (khoảng 60 triệu VND) để thành lập công ty đầu tiên của mình - một xưởng sản xuất ống kính đồng hồ gia đình. Bà và bảy anh chị em họ của mình đã phải làm việc và sống cùng nhau trong một căn hộ ba phòng ngủ trong bốn năm sau khi mới khởi nghiệp.
Trong một thập kỷ tiếp theo, Zhou đã xây dựng một nhà máy chế tạo ống kính đồng hồ đầu tiên và thuê 1.000 nhân công lao động. Nhưng khoảnh khắc đen tối nhất của bà đến vào năm 2003, sau khi bà đánh bại các đối thủ cạnh tranh và giành được hợp đồng với Motorola.
“Một đối thủ kinh doanh đã ghen tị”, nữ tỷ phú cho biết. “Công ty đó đã bắt tay với nhà cung cấp nguyên liệu và cố gắng loại tôi ra khỏi cuộc chơi. Nhà cung cấp đã bất chấp các nguyên tắc của ngành và yêu cầu thanh toán đầy đủ trước khi giao bất kỳ nguyên liệu nào”.
Bà Zhou đã phải bán căn nhà của mình và các vật có giá trị khác để đáp ứng nhu cầu của nhà cung cấp, nhưng nó vẫn chưa đủ. “Tôi đã tuyệt vọng”, bà nói. “Tôi đã đứng trên cầu Hung Hom ở Hồng Kông, gần như sẽ nhảy xuống với suy nghĩ rằng nếu tôi chết đi, mọi rắc rối cũng sẽ biến mất”.
Nhưng rồi một cuộc điện thoại từ con gái bà đã kéo bà trở về thực tại. “Tôi nhận ra rằng tôi phải có trách nhiệm đối với gia đình và nhân viên của mình, tôi không thể bỏ cuộc. Tôi phải tiếp tục”. Bà đã gửi một email xin trợ giúp tới Motorola và với sự giúp đỡ của họ, bà đã vượt qua khủng hoảng.
|
Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới hiện tại (nguồn: CNBC) |
Vào tháng 3 năm 2015, với việc ra mắt các công nghệ ống kính như chúng ta được thấy ngày nay, công ty của bà Zhou được định giá 11,4 tỷ USD với hơn 82.000 nhân viên trên khắp Trung Quốc, theo Forbes.
“Nhiều người sẽ trải qua một trải nghiệm thất bại khiến họ mất đi tự tin trong cuộc đời”, bà Zhou chia sẻ, “nhưng chìa khóa thành công là sự kiên trì, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn nhất”.
“Khi bạn bỏ cuộc giữa chừng, bạn sẽ mất đi toàn bộ lòng can đảm và không dám bắt đầu lại từ đáy cùng của sự thất bại một lần nữa. Bạn sẽ không bao giờ có thể vươn tới thành công”, nữ tỷ phú khẳng định, “Chỉ khi chúng ta kiên trì, chúng ta mới có thể thành công. Đừng bỏ cuộc vì một chút thất bại”.