Hàng tỷ USD chờ rót vốn, cá mập săn đón kỳ lân

Google News

Dòng vốn tỷ USD của các quỹ đầu tư mạo hiểm đang chảy vào các Startup Việt với kỳ vọng tạo nên những kỳ lân mới.

30 giây thay đổi vận mệnh

Ảnh hưởng của Covid-19, hệ thống rạp chiếu của Beta Cinemas đã phải ngưng hoạt động trong nhiều tuần, khó khăn chồng chất. Việc gọi vốn đầu tư được tiến hành từ nửa đầu 2019 và có kết quả vào cuối năm đó, song dịch bệnh khiến mọi việc tưởng như không thể hoàn thành.

Tới tháng 6/2020, đối tác Nhật Bản là Daiwa PI Partners đã ký kết rót vốn vào hệ thống Beta Cinemas với số tiền thoả thuận 8 triệu USD. Với ký kết này, Beta Media đạt được mức định giá doanh nghiệp là 1.000 tỷ đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm hút vốn đầu tư, CEO Bùi Quang Minh cho hay: "Người Nhật cực kỳ cẩn trọng trong từng chi tiết. Họ cũng nguyên tắc và trọng chữ tín. Chúng tôi học được rất nhiều từ họ".

Ngoài ra, làm việc với người Nhật thì mọi thứ đều lâu hơn rất nhiều, thậm chí thời gian có thể gấp đôi so với nơi khác. Quỹ đầu tư Mỹ thường làm mọi thứ rất nhanh chóng, có lẽ điều này phần vì đến từ mức độ chấp nhận rủi ro, phần vì mỗi quỹ đầu tư lại có tôn chỉ riêng.

Thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam nhiều tiềm năng

Ông Nguyễn Xuân Đông - đồng sáng lập Ecomobi - cho biết, các startup cần chuẩn bị tài liệu cho nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cuộc gặp với nhà đầu tư có thể kéo dài 10 phút, 2 đến 3 giờ hay 30 giây trong thang máy, do đó cần chuẩn bị sẵn sàng, đặc biệt là phải tóm tắt được công việc kinh doanh của mình trong một câu ngắn gọn để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Trải qua một năm đầy biến động, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển rất sôi động. Theo số liệu của Văn phòng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện có khoảng 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội.

Quỹ nội và quỹ ngoại đang có xu hướng kết hợp nguồn lực với nhau để cùng đầu tư cho startup Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các startup thu hút nguồn vốn đầu tư. Trong năm 2020, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam đạt 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư đạt 56 thương vụ.

Ươm mầm kỳ lân

“Có thể thấy đó là tín hiệu tốt và cá nhân những người làm quỹ như chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm thị trường chín muồi để các nhà đầu tư đặt chân vào thị trường Việt Nam", chị Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc đại diện quỹ Nextrans tại Việt Nam, nhận định.

Không phải một mà nhiều giám đốc quỹ đầu tư nhìn nhận, giai đoạn tới, sẽ có sự chuyển đổi dòng vốn trên thị trường đầu tư mạo hiểm. Việt Nam sẽ thay thế Indonesia trở thành điểm đến tiếp theo của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Theo bà Hoàng Thị Kim Dung - Trưởng đại diện Quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam, các nhà đầu tư đang có sự tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực và thế giới.

Hàng tỷ USD chờ đổ vào các startup Việt

Ông Eddie Thái, một thành viên của 500 Startups, giải thích lý do các quỹ mạo hiểm chọn Việt Nam thay vì các thị trường mới nổi khác vì "Việt Nam là một nền kinh tế lớn, trẻ và đang tăng trưởng nhanh; các chỉ số về công nghệ như tỷ lệ sử dụng Internet và smartphone đều ở quy mô lớn; thế hệ founder đi đầu đã thành công, chứng minh được tiềm năng của thị trường và nhân tài Việt Nam”.

Nếu so sánh với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam có lợi thế mạnh về nhân lực kỹ thuật sẵn có, năng lượng, nguồn lực và tiềm năng tăng trưởng của thị trường.

Nhìn từ câu chuyện Indonesia, bà Lê Diệp Kiều Trang, đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Alabaster, đánh giá: “Sau một thời gian lăn lộn với Indonesia, mình nhận ra họ có tới 6 kỳ lân, trong khi Việt Nam mới chỉ có VNG. Mình nghĩ có điều gì đó không đúng.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Về mặt con người, kinh doanh thì nhanh nhẹn, tháo vát, kỹ sư của mình chắc chắn hơn Indonesia. Về dân số, đúng là Việt Nam chỉ bằng 1/3 họ nhưng trình độ không kém. Nếu nói địa lý thì Việt Nam liền một khối nên logistics thuận lợi hơn Indonesia rất nhiều. Khi thấy câu chuyện phát triển thần kỳ của Indonesia, mình cho rằng Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng tầm. Sẽ còn rất nhiều khoảng trống để phát triển nữa”.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam đang là đích đến cho nhiều nhà đầu tư. Còn Indonesia, theo ông Dũng, quốc gia này đang phát triển nóng quá mức, cạnh tranh gay gắt và nhiều rủi ro, nhưng Việt Nam lại ở thời điểm mà nhà đầu tư đến sớm sẽ có nhiều cơ hội.

"Việt Nam là đích đến rất tuyệt vời tiếp theo. Nhiều lý do nên đến Việt Nam bây giờ, nhất là thị trường đang có gần 100 triệu dân", ông Dũng chia sẻ. "Nếu gọi vốn trên 15 triệu USD 2-3 năm trước là giấc mơ, thì giờ đã có thể làm được".

Ông nhận định, các cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đang bùng phát, sẵn sàng để các công ty công nghệ tung ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo. Quỹ sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những startup công nghệ, có thể xây dựng những sản phẩm dịch vụ mang lại sự tiện ích và nâng cao đời sống của người tiêu dùng tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Kỳ vọng nhiều kỳ lân tại Việt Nam

10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030

Theo khảo sát của Do Ventures, Việt Nam đứng đầu lựa chọn về điểm đến đầu tư trong 12 tháng tiếp theo. Theo đó, tâm lý “hưng phấn” đầu tư tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Các quỹ khảo sát dự kiến có khoảng 117-200 thương vụ trong vòng 12 tới, trong đó gần 80% các nhà đầu tư lên kế hoạch triển khai từ 1-5 giao dịch. Đáng chú ý là các lĩnh vực “hot” tiếp theo được nhà đầu tư chú ý ở Việt Nam là giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tài chính.

Đứng trước thách thức và cả những cơ hội trong giai đoạn bình thường mới, Chính phủ Việt Nam đquyết định đề ra mục tiêu tạo 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030 và trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ của Đông Nam Á.

Từ góc nhìn của một kỳ lân Đông Nam Á, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho rằng: "Giai đoạn này, gọi vốn là một trong những thách thức lớn của startup Việt".

Trên thực tế, thách thức này không nằm ở việc thiếu vốn hay vì các nhà đầu tư thiếu quan tâm tới thị trường Việt Nam bởi trong năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, tổng giá trị đầu tư vào startup công nghệ Việt vượt qua cả Singapore.

"Cái thiếu thật sự nằm ở khả năng và tầm nhìn của các nhà sáng lập. Các bạn có thể rất mạnh ở giai đoạn tìm ý tưởng, nhưng tới giai đoạn triển khai và hoàn hiện thì lại thiếu nhiều kỹ năng thực tế. Đây là điểm mà chúng ta phải đầu tư hơn nữa để bồi dưỡng cho các startup Việt Nam", bà nhìn nhận.

Đánh giá triển vọng, bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam, cho rằng, các nhà đầu tư đang tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đánh giá Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm 2021 và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực, thế giới.

Theo Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)