|
Ông Phạm Đình Dũng thu gom số mía đã chặt trên ruộng. |
Hàng trăm tấn mía còn tồn
Đến thôn Suối Sâu (xã Ninh Tân), nhìn đống mía đang nằm phơi trên ruộng, chúng tôi không khỏi xót xa cho công sức lao động của nông dân. Vừa ôm những bó mía chất lại thành đống để giảm bớt ánh nắng mặt trời gay gắt, ông Dũng buồn bã nói: “Khoảng 200 tấn mía đã chặt và khoảng 400 tấn mía chưa chặt tại ruộng mía hơn 20 ha của gia đình tôi hợp tác với ông Phan Lữ Phụng Hiếu (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa) trồng tại khu vực Suối Sâu đang đứng trước nguy cơ thành củi. Nhà máy Đường Ninh Hòa đã kết thúc vụ ép vào ngày 20-6, còn Nhà máy Đường Khánh Hòa đã có thông báo ngừng hoạt động vào ngày 27-6. Tưởng rằng trước khi ngừng hoạt động, Nhà máy Đường Khánh Hòa sẽ thu mua toàn bộ số mía cho chúng tôi nhưng họ cương quyết không thu mua”.
Những ngày qua, ông Dũng chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để tìm cách tiêu thụ hàng trăm tấn mía trên ruộng, vì nếu chậm trễ thì chữ đường không còn. Bên cạnh đó, nếu không thu hoạch, giải quyết lượng mía tồn trên ruộng thì không thể chăm sóc, trồng mới mía niên vụ 2017 - 2018 được.
“Ngày 25-6, tôi chở 1 xe mía 20 tấn vào Tây Ninh để bán nhằm gỡ lại ít vốn nhưng 1 tấn mía chỉ bán được 460.000 đồng, mới đủ tiền vận chuyển chứ chưa có tiền công bốc, nói gì đến tiền công chặt, tiền đầu tư. Tôi đang cho chở thêm 1 xe mía nữa vào Tây Ninh để bán, nếu chữ đường vẫn chỉ dưới 5CCS, 1 tấn dưới 500.000 đồng như xe trước thì tôi sẽ không chở đi nữa. Nếu không ai mua, chắc chắn tôi phải đốt bỏ cả mấy trăm tấn mía”.
Theo tính toán của ông Hiếu và ông Dũng, với diện tích mía này, chỉ riêng tiền đầu tư, công cán, họ đã mất hơn 400 triệu đồng. Đó là chưa tính giá trị của khoảng 600 tấn mía cây vẫn nằm đợi nhà máy.
Bế tắc hướng giải quyết
Qua trao đổi với các chủ mía, chúng tôi được biết, do toàn bộ diện tích mía này họ không ký hợp đồng mua bán với bất kỳ nhà máy đường nào nên khi các nhà máy kết thúc vụ ép, họ phải chật vật tìm cách tiêu thụ.
Giải thích về lý do không ký hợp đồng bán mía cho các nhà máy đường, ông Phan Lữ Phụng Hiếu cho biết: “Những năm trước, các diện tích mía không ký hợp đồng nhà máy vẫn thu mua. Tưởng rằng năm này cũng sẽ như vậy nên chúng tôi chủ quan không ký hợp đồng”.
Các chủ mía mong muốn, Nhà máy Đường Khánh Hòa trước khi kết thúc vụ ép, xem xét hỗ trợ thu mua số mía còn tồn trên ruộng cho họ để giảm bớt thiệt hại.
|
Không ký hợp đồng với nhà máy nên hàng trăm tấn mía của nông dân có nguy cơ biến thành... củi. |
Tuy nhiên, ông Đỗ Thành Liêm - Giám đốc Công ty TNHH Đường Khánh Hòa khẳng định, ngày 27-6, nhà máy ngừng hoạt động. Đồng thời, hiện nay, đơn vị đã thu mua xong toàn bộ lượng mía của những hộ nằm trong diện ký hợp đồng với nhà máy. Còn đối với những hộ không ký hợp đồng với nhà máy thì công ty không có trách nhiệm thu mua. Trước khi ngừng hoạt động, công ty đã thông báo rõ ràng đến tất cả các hộ có mía được quyền ký hợp đồng với nhà máy để công ty sắp xếp lịch thu hoạch.
“Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của mình. Đến thời điểm này, nếu các hộ có mía mà không ký hợp đồng với nhà máy thì đó là chuyện của họ. Đối với những hộ đã ký hợp đồng với nhà máy mà đơn vị chưa thu mua thì họ có quyền khởi kiện và chúng tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Liêm nói.
Khi chúng tôi chuyển tải những mong muốn của ông Dũng, ông Hiếu đến lãnh đạo Công ty TNHH Đường Khánh Hòa thì ông Đỗ Thành Liêm cho biết: “Việc chọn lựa đơn vị nào để ký hợp đồng bán mía hay tiêu thụ bằng cách nào là quyền của người dân, chúng tôi không ép họ được. Thời điểm chúng tôi thông báo thì họ không ký hợp đồng với nhà máy. Bây giờ đã cuối vụ, chữ đường mía tuột, nếu thu mua thì ai bù lỗ cho chúng tôi. Do đó, chúng tôi cương quyết không thu mía của những hộ này”.
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích 11.575ha mía nguyên liệu trên địa bàn thị xã, nông dân ký kết hợp đồng với các nhà máy đường đã được tiêu thụ hết. Riêng trường hợp của ông Hiếu, có đơn đề nghị thị xã Ninh Hòa can thiệp, hỗ trợ tiêu thụ lượng mía còn tồn tại thôn Suối Sâu. Tuy nhiên, qua làm việc và xác minh của chính quyền địa phương, đến thời điểm này, ông Hiếu không còn mía tồn. Riêng ông Dũng chưa có đơn gửi chính quyền đề nghị hỗ trợ”.