Hàng trăm dự án bất động sản "lao đao" vì pháp lý

Google News

(Kiến Thức) - "Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số đơn vị đứng trước nguy cơ bị phá sản", HoREA khuyến cáo.  

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa trình Ban kinh tế Trung ương bản kiến nghị kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và cạnh tranh.

HoREA cho biết, 2019 là năm thứ hai liên tiếp thị trường bất động sản và các doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Hàng trăm dự án nhà ở "đứng hình" và môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Cùng mặt bằng pháp lý như nhau, nhưng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại TP HCM lại bị vướng, còn tại các địa phương khác lại triển khai bình thường.

Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất nhà nước quản lý tương tự nhau, nhưng có một số được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại không, nên chưa đảm bảo tính công bằng.

HoREA lo ngại, quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở tiết tục bị sụt giảm mạnh. Giá nhà tăng, cơ hội cho người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở.

"Nhìn chung hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản", HoREA khuyến cáo.  

Hang tram du an bat dong san
110 biệt thự chưa hoàn chỉnh pháp lý ở quận 7, TP HCM

Theo thống kê của HoREA, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, TP HCM có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.

Tháng 3/2019, lãnh đạo thành phố và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường.

Điều này dẫn đến năm 2019, toàn thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 12 dự án, tương đương tỷ lệ 92%. Chưa kể, thành phố cũng chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án, tương đương 85%....

Số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho biết, năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018. 

HoREA cho biết, hai năm qua, rất nhiều kiến nghị đã được Hiệp hội gửi đến cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ban ngành, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng mắc pháp lý. Nếu kịp thời giải tỏa các dự án này có thể tránh được nguy cơ phá sản của hàng loạt doanh nghiệp, tránh gây hệ luỵ lớn cho xã hội.

"Trong tuần tới, lãnh đạo TP HCM sẽ có buổi làm việc với Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản để tiếp tìm hướng giải quyết cho các dự án bị ách tắc. Trên cơ sở đó, có thể kỳ vọng càng về cuối năm 2020 thị trường sẽ ổn định hơn", HoREA thông tin.

Gia Lai

>> xem thêm

Bình luận(0)