Hãng taxi TP.HCM thua lỗ nhiều năm vì mâu thuẫn lãnh đạo Việt, Nhật

Google News

Trong 6 năm gần nhất, hãng taxi Saigontourist chịu thua lỗ 5 năm mà nguyên nhân chính là không triển khai được kế hoạch kinh doanh vì mâu thuẫn giữa hai nhóm cổ đông Việt, Nhật.

Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist tiền thân là đoàn xe trực thuộc Công ty Du Lịch TP.HCM. Công ty hiện vận hành và kinh doanh vận tải với thương hiệu taxi Saigontourist.
Thua lỗ nhiều năm
Theo thông tin công bố với cổ đông, nhiều năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của hãng taxi này rơi vào tình trạng khó khăn với khoản thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Ngoài kinh doanh taxi, công ty còn có doanh thu phát sinh từ tổ chức du lịch lữ hành, dịch vụ bảo vệ và các loại hình khác...
 Saigontourist là hãng taxi chiếm thị phần khá nhỏ tại TP.HCM.
Từ năm 2012 trở lại đây, tình hình kinh doanh của hãng taxi này liên tục trong tình trạng thua lỗ. 6 năm gần nhất thì doanh nghiệp lỗ ròng 5 năm, riêng năm 2014 kinh doanh có lãi nhưng chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng.
Trong năm 2017, Saigontourist ghi nhận 30 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 40% so với năm trước. Trong đó, taxi vẫn là mảng đóng góp nhiều nhất với hơn 10 tỷ đồng, nhưng đã giảm gần 40% so với năm trước. Xếp sau là doanh thu từ hoạt động dịch vụ bảo vệ với gần 9 tỷ đồng mang lại, đào tạo lái xe và cho thuê xe cũng mang về cho công ty tổng cộng 11 tỷ đồng...
Tuy nhiên, giá vốn của hầu hết hoạt động đều xấp xỉ doanh thu, đặc biệt là mảng taxi lỗ gộp hơn 4 tỷ đồng, khiến tổng lãi gộp năm 2017 của Saigontourist là âm 2,2 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2017, hãng taxi này ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 19 tỷ đồng. Năm trước đó công ty này cũng phải chịu khoản lỗ hơn 5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.
 
Thậm chí, 3 tháng đầu năm vừa qua, kết quả kinh doanh của hãng taxi này cũng rất khó khăn với gần 7 tỷ đồng doanh thu nhưng lại lỗ ròng 600 triệu đồng. Tính đến ngày 31/3, Saigontourist đang lỗ lũy kế 79 tỷ đồng, xấp xỉ vốn góp của chủ sở hữu là 80 tỷ đồng.
Không đồng nhất trong HĐQT
Nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh khó khăn được ban lãnh đạo công ty giải thích, số lượng xe và tài xế giảm mạnh do chủ trương thanh lý xe cũ để tái cơ cấu cách đây hai năm, cùng với đó là những diễn biến phức tạp của thị trường khi xuất hiện nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ…
Tuy nhiên, nguyên nhân chính là công ty không thể triển khai các kế hoạch kinh doanh do không có sự đồng nhất giữa các thành viên trong HĐQT.
Trong cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo công ty đang có sự hiện diện của nhân sự người Việt và Nhật Bản. Trong đó, cổ đông lớn nhất là ông Kakazu Shogo sở hữu 23,75%, còn ông Nguyễn Văn Hồng, Thành viên HĐQT là cổ đông lớn thứ 2 sở hữu 21,8%. Chủ tịch tại Saigontouris hiện cũng là nhân sự người Nhật Bản, ông Ryotaro Ohtake. Ngoài ra HĐQT hãng taxi này còn một người Việt là ông Đinh Quang Phước Thanh và ông Shimabukuro Yoshinori, người Nhật Bản.
 Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông Việt - Nhật là nguyên nhân khiến Saigontourist không thể triển khai kế hoạch kinh doanh.
Báo cáo của Saigontourist cho biết, "sự không đồng thuận và gây cản trở của một số thành viên HĐQT tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng dẫn đến khó khăn cho ban giám đốc trong quá trình thực hiện".
Năm 2017, hãng taxi này đã triệu tập 20 cuộc họp và 7 lần lấy ý kiến bằng văn bản, nhưng hai thành viên người Việt chỉ tham dự 4 lần. Điều này khiến kế hoạch đầu tư 20 xe mới từ nguồn vốn tự có và vay các tổ chức tín dụng nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh taxi đến nay chưa được thực hiện. Công ty đối mặt với kiện tụng bởi chính các thành viên trong HĐQT.
Đã bước sang tháng 7, nhưng hãng này vẫn chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên để thống nhất kế hoạch kinh doanh cả năm 2018. Ông Kakazu Shogo, Tổng giám đốc công ty, chỉ mới phác thảo định hướng năm nay là phát triển số lượng xe hoạt động tại khu vực trung tâm TP.HCM và tiếp tục thanh lý xe cũ.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới đây đã thông báo về việc chấp thuận cho 8 triệu cổ phiếu STT của Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist niêm yết trên sàn này từ ngày 13/7 tới đây.
Trước đó, 8 triệu cổ phiếu STT được giao dịch trên HOSE nhưng đã hủy niêm yết từ ngày 6/7 do hoạt động kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp. Tháng 5 vừa qua, cổ phiếu này cũng đã bị HOSE đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vì vi phạm hàng loạt quy định về công bố thông tin và chỉ được giao dịch trong phiên chiều hàng ngày.
Theo Hoàng Thanh/Zing

Bình luận(0)