Quán dê Hương Sơn trong hẻm số 6 đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức (TP.HCM) mở lại 3 ngày nay với lượng khách tăng vọt, chưa kể một số đến mua đem về. Chủ quán cho biết khách bắt đầu đông từ 18h đến 19h, ngoài 10 bàn trong nhà, 6 bàn ngoài trời, ông phải sắp thêm 5 bàn nữa ở bên kia đường.
"Nhiều khách phải gọi điện đặt chỗ trước. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của quán hiện nay là thiếu người làm. Ngoài đầu bếp, hiện chỉ có 2 vợ chồng cùng 2 nhân viên cũng là người thân phục vụ. Tình hình này chắc còn kéo dài vì dù đăng thông báo tìm người cả tuần nay vẫn không có ai", chủ quán dê này cho biết.
Thực tế, sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép hàng quán phục vụ tại chỗ, nhiều cơ sở kinh doanh tại TP.HCM đang phải đối mặt với thực trạng thiếu nhân viên trầm trọng. Có nơi, chủ quán phải kiêm luôn chạy bàn hoặc huy động người thân trong gia đình.
|
Nhiều nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM đang đối mặt với bài toán thiếu lao động khi mở cửa trở lại. Ảnh: Duy Hiệu.
|
Sốt ruột vì không tuyển được nhân viên
Ông Hoàng Văn Thuận - chủ nhà hàng Nga Thịnh 5 ở quận Gò Vấp - cho biết trước kia nhân viên tại quán chủ yếu là người dân ngoại tỉnh nhưng vì dịch bệnh họ đều trở về quê. "Tôi gọi điện mời họ quay lại làm việc nhưng tất cả đều cho biết sẽ không quay lại TP.HCM nữa, dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên mọi người cũng lo ngại", ông nói và cho biết đăng tin tìm người mới nhưng vẫn chưa tuyển được.
Chỉ cần thêm khoảng 3-4 nhân viên nữa nhưng vẫn rất khó tìm mặc dù ngoài trả lương nhà hàng còn có chế độ đãi ngộ nhân viên ăn ngủ, sinh hoạt tại quán. "Hiện tại tôi phải huy động người nhà ra làm và hạn chế số lượng khách để có đủ người phục vụ", ông Thuận chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông cho biết quy định hàng quán không được phục vụ đồ uống có cồn cũng khiến nhà hàng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khách hàng quay xe, tìm sang Thủ Đức khi biết không được uống bia, rượu còn khách đi 2 người, hoặc gia đình chỉ ăn uống đơn giản.
"Trong khi đó, thời gian này nhu cầu tụ tập của người dân rất lớn và cũng là cơ hội của hàng quán sau 5 tháng đóng cửa nhưng lại gặp phải quy định gây khó", chủ nhà hàng nói và cho biết vừa bị cơ quan chức năng nhắc nhở vì phục vụ rượu, bia cho khách dùng tại quán.
Chủ chuỗi nhà hàng Hàng Dương Quán cũng cho biết từ giữa tháng 10 đến nay đơn vị cũng đang tích cực tuyển mới nhân viên ở các vị trí từ tạp vụ, phục vụ, bảo vệ... vì lượng lớn nhân sự trước dịch đã về quê. "Một số đã quay lại, nhưng các nhà hàng vẫn còn thiếu số lượng rất lớn", ông Lý Nhất Hiếu - chủ chuỗi nhà hàng này cho hay.
Ông Hiếu cho biết có nhiều trường hợp doanh nghiệp phải năn nỉ lao động quay lại làm việc vì họ không muốn trở lại TP.HCM. "Một số còn bị ám ảnh tâm lý sau thời gian dài giãn cách xã hội, nay muốn quay lại cũng gặp nhiều khó khăn", ông chia sẻ.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp trong chuỗi F&B cũng cho biết đang gặp nhiều khó khăn về nhân sự sau dịch. Đa số nhân viên đều đã về quê và chưa quay trở lại thành phố. Ông Lê Hoài Nam - Phó tổng giám đốc vận hành doanh nghiệp quản lý các chuỗi The Pizza Company, Aka House, Chang, The Coffee Club - cho biết một số cơ sở không đủ nhân sự nên cũng chỉ mở bán hoạt động cầm chừng.
Hỗ trợ tiêm vaccine cho lao động khi quay lại TP.HCM
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết chủ cơ sở kinh doanh phải chủ động liên hệ với địa phương cho lao động tiêm mũi 1 ít nhất 14 ngày mới được nhận vào làm việc.
Về vấn đề tiêm vaccine cho người lao động, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết nhiều người dân khi quay lại TP.HCM chưa được tiêm đủ vaccine Covid-19. Hiện nay các địa phương vẫn duy trì tiêm vaccine do đó người dân quay lại bất kỳ lúc nào cũng được tiêm vaccine.
|
Hiện, người lao động quay lại TP.HCM sẽ được hỗ trợ tiêm vaccine, tìm việc làm. Ảnh: Phương Lâm.
|
"Bà con có thể về nơi cư trú, tạm trú, liên hệ phường xã để được tiêm vaccine. Kể cả việc không có giấy xác nhận tiêm vaccine mũi 1 chỉ cần khai báo và cam kết để được sắp xếp tiêm. Hoặc chủ cơ sở kinh doanh tập hợp danh sách tiêm tại địa phương hoặc tại cơ sở", ông nói.
Ông Nguyễn Quang Cường - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên - cho rằng đa phần, người lao động muốn về quê vì tại thời điểm đó họ không biết tình hình dịch tại TP.HCM khi nào mới ổn định. "Họ cũng chia sẻ, 2-3 tuần về quê cũng không biết làm gì vì đã quen với công việc trên đây rồi nên muốn quay trở lại", ông nói.
Theo ông Cường, việc tuyển lao động tại TP.HCM không phải là khó khăn lớn của TP.HCM mà chỉ là khó khăn tạm thời. Giống như việc lao động nghỉ khi Tết Nguyên đán và sau đó thì người lao động cũng trở lại trễ khoảng 1 tuần, 2 tuần nhưng sau đó sẽ ổn định lại.
"Chưa kể, nhiều doanh nghiệp cũng đang chủ động trong việc liên hệ với người lao động. Một số đơn vị cho xe về quê rước người lao động lên làm", ông Cường nói.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên cũng thông tin ở các tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh, Hà Tĩnh có liên hệ với trung tâm, chia sẻ rằng người lao động muốn tìm việc dưới quê nhưng nguồn lực ở tỉnh không đủ để đáp ứng.