Khuya ngày 6/7, nghe tin chợ đầu mối Thủ Đức đóng cửa vào ngày mai, chị Thanh Lê, tiểu thương bán rau, củ tại chợ Xóm Chiếu (quận 4, TP.HCM) vội vã cùng chồng ra chợ để mua hàng. "Thường ngày tôi vẫn ra chợ nhập hàng về bán, nhưng nay chợ đóng cửa phải gom rau, củ quả thật nhiều vì sợ mấy ngày tới không có nơi để nhập hàng", chị nói.
Hiện nay, cả 3 chợ đầu mối của TP.HCM là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức đã phải ngừng hoạt động vì xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19, hơn nữa, 124/234 chợ truyền thống cũng đã bị phong tỏa khiến bài toán lưu thông, cung ứng hàng hóa ở TP.HCM càng trở nên khó khăn.
Trong ngày đầu đóng cửa 3 chợ đầu mối, tuyến vận chuyển thực phẩm từ tỉnh, thành phố về các chợ, điểm phân phối nhỏ lẻ của TP.HCM được phân tỏa theo nhiều con đường cách khác nhau.
|
Chợ đầu mối cuối cùng ở TP.HCM đã phải đóng cửa vào ngày 7/7 vì xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tập kết hàng dọc đường, xung quanh chợ đầu mối
Chị Lê Hương, một thương lái chuyên nhập sỉ trái cây tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết công việc mỗi ngày của chị là liên hệ nhà vườn gom các loại trái cây như: Măng cụt, ổi, chôm chôm, xoài... từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ về chợ đầu mối Thủ Đức bán sỉ cho các thương nhân.
"Tuy nhiên, bất ngờ khi chợ Thủ Đức thông báo đóng cửa, thương nhân nghỉ bán, tôi không biết giao hàng cho ai nên liên hệ người quen xin tập kết bán tạm ở một điểm bán tại quận 1, TP.HCM", chị nói.
Chị Hương dự định, mỗi ngày sẽ đăng bài bán hàng trên các hội nhóm của chợ Thủ Đức, Hóc Môn và nhận giao hàng theo giờ đặt trước. "Hai ngày tôi sẽ chở lên TP.HCM một xe gồm vài tấn trái cây. Hiện nay thành phố yêu cầu người ra vào phải có giấy xét nghiệm âm tính trong 3 ngày nên mỗi chuyến hàng tài xế lại phải đi xét nghiệm 1 lần", chị nói và cho biết dù vất vả, khó khăn hơn vẫn phải cố vì không bán sẽ không có thu nhập trang trải cuộc sống.
Thực tế, những ngày gần đây, khi các chợ đầu mối đóng cửa, nhiều xe tải của các thương lái chở hàng tập kết bán rải rác xung quanh khu vực chợ, đặc biệt là mặt hàng rau, củ quả.
Theo phản ánh của một số người dân, nhiều thương lái, tiểu thương vốn giao thương ở chợ Hóc Môn đã đổ ra Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn, TP.HCM), cách chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn khoảng 100 m để mua, bán.
|
Hàng từ các tỉnh về được tập kết bán ven đường hoặc trong khác kho bãi xung quanh chợ đầu mối. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Ngay từ những đêm đầu khi chợ dừng hoạt động, các tiểu thương này đã đưa hàng ra ven đường gần chợ để bán, tình trạng mua bán tấp nập, chủ yếu từ 23-24h đến 2-3h sáng”, chị H.D - một người dân sinh sống gần chợ Hóc Môn - nói và cho biết cơ quan chức năng dù đã đến xử lý, nhưng cứ dẹp chỗ này người bán lại sang chỗ khác.
Chợ đầu mối Hóc Môn đã đóng cửa từ 28/6 nhưng theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ, hiện nay hoạt động buôn bán hàng hóa giữa các thương nhân và tiểu thương vẫn diễn ra suôn sẻ.
Nhiều thương nhân đã chủ động thuê mặt bằng bên ngoài để trữ rau, củ quả bán cho các tiểu thương hoặc giao hàng tận nơi cho các chợ truyền thống. Thịt heo chủ yếu nhập tại các lò mổ, lượng thịt về chợ vẫn ở mức bình thường.
"Với cách vận hành này, lượng hàng hóa về thành phố có giảm nhưng không nhiều", ông Dũng nói với Zing.
Ngày 7/7, lượng heo nhập về chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 2.900 con, tăng 920 con so với ngày 6/7. Trong đó, lượng heo về lò giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) để cung cấp hàng cho thương nhân, công ty lấy sỉ khoảng 900-1.000 con/đêm (trọng lượng tương đương 65-70 tấn).
Bán sỉ online
Hiện nay, nhiều nhà vườn, đầu mối ở Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.... trước nay cung cấp rau củ quả cho các chợ đầu mối cũng vội vã lên mạng xã hội tìm người thu mua mới.
Nghe tin chợ đầu mối Thủ Đức đóng cửa, chị Nguyễn Lý (Lạc Lâm, Lâm Đồng), chủ một nhà vườn ở Lâm Đồng phải lên mạng tìm người để bán nông sản. "Mối quen nhập hàng của tôi đã nghỉ bán khi chợ đóng cửa, bây giờ phải lên mạng tìm người thay thế tạm thời, vì 4 ha rau, củ vừa mới thu hoạch", chị nói.
Không chỉ các thương lái, nhà vườn mà nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ cũng tìm cách bán sỉ trên mạng.
|
Một thương lái ở Lâm Đồng cũng vội vã lên mạng xã hội tìm người thu mua mới sau khi chợ Thủ Đức đóng cửa. Ảnh: Chụp màn hình. |
Từ ngày 29/6, chị Trần Ngoan ở xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TP.HCM) đã nhờ người thân lập một trang mạng xã hội để bán hàng. Cụ thể, chị chỉ nhận giao hàng với số lượng trên 10 kg, giá thịt heo pha lóc được chị niêm yết cụ thể trên bài đăng như: Sườn non 190.000 đồng/kg, ba rọi lóc 145.000 đồng/kg, ba rọi sườn 155.000 đồng/kg, nạc dăm 125.000 đồng/kg...
"Từ trước đến nay, tiểu thương ở các chợ lẻ sẽ tự lên chợ đầu mối lấy hàng sớm, một số người buôn bán tại chợ lâu năm thì tôi giao sỉ tận chợ. Tuy nhiên, hiện nay khi chợ đóng cửa, tôi vẫn duy trì giao hàng cho mối tại chợ và lên mạng rao bán online cho các quán ăn, người có nhu cầu mua số lượng lớn", chị kể.
Theo tiểu thương này, số lượng heo bán ra giảm mạnh so với trước. Trang bán hàng mới lập nên chưa có được nhiều sự tương tác, tổng mỗi ngày chỉ bán khoảng 1-2 tạ thịt trong khi trước đó có ngày chị bán 5-6 tạ.
Cả 3 chợ đầu mối đóng cửa, không chỉ người bán buôn phải lên mạng tìm khách mà nhiều khách hàng là chủ quán cơm, cửa hàng thực phẩm trước nay đến mua trực tiếp tại chợ cũng lên chợ mạng tìm nguồn cung mới.
"Quán cơm quận 7 cần tìm mối cá Sapa, cá hường, cá hú hay cá basa, chả cá giao tận nơi, mình cần lấy số lượng lớn cho mấy ngày", đó là bài đăng của chủ quán cơm ở TP.HCM và cũng là tình cảnh của nhiều người khác trong một hội nhóm kinh doanh online khi tất cả chợ đầu mối đóng cửa.
Tương tự, khi chợ Bình Điền đóng cửa, ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ cũng cho biết tiểu thương tại chợ thay đổi hình thức vận chuyển, giao nhận hàng trực tuyến, giao tận nơi cho khách mà không thực hiện trực tiếp tại chợ đầu mối Bình Điền như trước.
"Trước đó, nhiều tiểu thương cũng đã chủ động lập ra kênh bán hàng online, tham gia hội nhóm buôn bán trên mạng xã hội nên khách hàng có thể đặt hàng qua kênh này", ông nói.
Ngày 7/7, tức ngày đầu đóng cửa, lượng heo nhập về chợ Bình Điền khoảng 1.000 con, giảm 700 con so với hôm qua. Giá heo móc hàm 90.000 đồng/kg, tăng 20.000-30.000 so với hôm qua, chợ tiêu thụ rất nhanh kể cả heo mỡ.
"Hiện, công ty chưa có kế hoạch cho tập kết hàng hóa của tiểu thương, thương lái ở xung quanh chợ", ông cho hay.
Phân phối trực tiếp vào chợ truyền thống
Hiện, cả 3 chợ đầu mối tại TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động để phòng dịch Covid-19. Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM khẳng định hiện nay, các kênh bán lẻ hiện đại có thể bù đắp được nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết sau khi 3 chợ đầu mối đóng cửa, thành phố sẽ dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về.
Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.
|
Thịt lợn sau khi được giết mổ tại các lò mổ sẽ được chuyển thẳng ra các chợ truyền thống. Ảnh: Trương Khởi. |
Hiện, Sở Công Thương TP.HCM đã thông tin đến Sở Công Thương 22 tỉnh, thành Nam bộ về việc tạm dừng hoạt động các chợ đầu mối và đề nghị hỗ trợ thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại hai chợ đầu mối này tạm ngưng vận chuyển hàng hóa vào chợ, tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.
Việc điều chỉnh hoạt động của các chợ đầu mối có ảnh hưởng nhất định đến các chuỗi cung ứng nhưng vẫn có phương án cụ thể để đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, thương nhân giao dịch không trực tiếp… trong điều kiện nghiêm ngặt phòng, chống dịch và chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy trong quá trình hoạt động.
Sở Công thương dự kiến vận hành bản đồ cung cấp thông tin những chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… an toàn tại từng quận, huyện, xã, phường để người dân đi chợ, mua sắm nhu yếu phẩm.