Khoảng 5.500 ha cà chua tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) với sản lượng hàng chục nghìn tấn đang phải đối mặt với tình trạng đổ bỏ vì không bán được.
Thêm một lần nữa, người dân vùng chuyên canh cây cà chua lớn nhất cả nước này lâm vào cảnh trắng tay, nhiều gia đình lún trong nợ nần vì sản phẩm làm ra chỉ để… nhìn.
|
Cà chua không ai mua phải nhổ bỏ |
Anh Nguyễn Văn Hưng, xã Đạ Ròn, rầu rĩ cho biết, vụ cà chua trước, gia đình anh đã mất trắng trên 300 triệu đồng. Không chịu hứng thất bại, dù trong nhà không còn tiền nhưng vợ chồng anh vẫn cố gắng vay mượn anh em trong nhà gần 200 triệu đồng để đầu tư làm cà chua tiếp, đem theo hy vọng sẽ vực lại số tiền đã mất.
Nay nhìn trên 5.000 m2 cà chua sai trĩu quả từ gốc lên ngọn nhưng không có người mua, vợ chồng anh Hưng đã hết hi vọng vào vụ cà này. Nợ chồng lên nợ, nay gia đình anh Hưng đã tính đến chuyện cầm cố sổ đỏ để trả nợ và có thêm vốn để làm ăn.
|
Hàng nghìn héc ta cà chua tại huyện Đơn Dương lâm vào cảnh ế ẩm, mất trắng |
Nhiều nông dân tại huyện Đơn Dương cho biết, các gia đình trồng cà chua từ đầu năm đến nay gần như 100% là thua lỗ. Trong vòng 9 tháng qua, duy nhất vào tháng 6 và 7 là cà chua được giá, những tháng còn lại đều thất bại vì giá rất thấp.
Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức xác nhận vì sao giá cà chua tại huyện Đơn Dương từ đầu năm đến nay xuống quá thấp. Tuy nhiên, nhiều gia đình tại địa phương này quả quyết, mặt hàng cùng loại của Trung Quốc tràn vào Việt Nam với giá “cho không” đã đẩy hàng nghìn người trồng cà chua tại huyện Đơn Dương lâm vào thảm cảnh hôm nay.
|
Cà chua chín rộ ngoài đồng bị bỏ mặc |
Ông Huỳnh Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đơn Dương, cho biết hiện địa phương đang có 5.500 ha cà chua, trong đó khoảng một nửa diện tích đang cho thu hoạch, với sản lượng hàng chục nghìn tấn.
Để ngăn chặn tình trạng “khủng hoảng thừa” cà chua, từ năm 2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương kêu gọi nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy thu mua, chế biến cà chua tại huyện Đơn Dương. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào mặn mà với dự án này của tỉnh Lâm Đồng.
Trong khi đó, huyện Đơn Dương là vùng chuyên canh cây cà chua lớn nhất cả nước với gần 10.000 ha mỗi năm, sản lượng trên 300.000 tấn, chiếm 1/7 tổng sản lượng rau của tỉnh Lâm Đồng. Hiện 100% sản lượng cà chua tại đây được tiêu thụ tại thị trường trong nước làm thực phẩm ăn ngay chứ chưa có nhà máy chế biến, sơ chế.