Hải Hà Petro kinh doanh lỗ, nợ thuế đầm đìa
Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) của vợ chồng doanh nhân Trần Tuyết Mai và ông Tô Văn Thọ được thành lập năm 2003, có trụ sở chính tại thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình.
Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Tô Văn Thọ. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan.
Đầu năm 2012, Hải Hà Petro được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
|
Năm 2019, Hải Hà Petro lọt vào top 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất. (Ảnh minh họa). |
Hiện nay, Hải Hà Petro có 9 chi nhánh được đặt tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Hà Nam, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng, Ninh Bình, Hải Phòng, Cà Mau. Doanh nghiệp cũng đang sở hữu kho xăng dầu tại Thái Thượng (Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) với tổng diện tích hơn 66.600 m2, gồm 11 bồn chứa, sức chứa hơn 75.900 m3…
Tính đến ngày 26/6/2020, Hải Hà Petro có vốn điều lệ 356 tỷ đồng, gồm 5 cổ đông lần lượt là: Ông Tô Văn Thọ (nắm giữ 24,62% vốn điều lệ), ông Lê Phi Quang (nắm giữ 8,64%), bà Trần Tuyết Mai (36,895%), bà Trần Thị Thu Hằng (17,463%), ông Trần Văn Chính (12,382%).
Về tình hình kinh doanh, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu thuần của Hải Hà Petro liên tục tăng trưởng. Cụ thể, năm 2016, doanh thu thuần của Hải Hà Petro đạt mức 10.799 tỷ đồng, nhưng đến năm 2018 đã là 15.115 tỷ đồng, sang năm 2019, con số này tiếp tục tăng 4,5% lên 15.806,9 tỷ đồng.
Năm 2019, Hải Hà Petro còn lọt vào top 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất, chỉ sau Petrolimex, PVOil, Công ty TNHH Hải Linh và Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.
Trong năm 2019, doanh thu thuần của Hải Hà Petro đã bỏ xa nhiều ông lớn hoạt động cùng ngành. Đặc biệt, quy mô tổng tài sản của Hải Hà Petro lên tới 8.264,13 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm trước.
Ngược lại với đà tăng doanh thu lẫn tài sản, lợi nhuận của Hải Hà Petro trong năm 2018 bị lỗ thuần hơn 268 tỷ đồng, còn năm 2019 lỗ 233,7 tỷ đồng. Với những khoản thua lỗ này, Hải Hà Petro tới cuối năm ngoái âm vốn chủ sở hữu tới gần 700 tỷ đồng.
Dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp hiện chủ yếu đến từ nguồn nợ phải trả. Tính tới cuối năm 2019, nợ vay dài hạn của Hải Hà Petro đã lên tới 364 tỷ đồng, tăng hơn 250 tỷ đồng so với năm trước đó.
Thậm chí cuối năm ngoái, Hải Hà Petro cũng là cái tên đứng đầu trong danh sách nợ thuế bảo vệ môi trường với số dư lên tới 1.200 tỷ đồng.
Vì sao bà Trần Tuyết Mai “thâu tóm" Dược Pharbaco?
Mặc dù kinh doanh thua lỗ, nợ thuế bảo vệ môi trường đầm đìa, song Hải Hà Petro cùng nữ doanh nhân Trần Tuyết Mai lại đang mở rộng sang những lĩnh vực kinh doanh khác là bất động sản và dược phẩm.
Cụ thể, Hải Hà Petro đã mua vào lượng lớn cổ phiếu PBC của Công ty CP Dược phẩm trung ương I (Pharbaco).
|
Trụ sở chính của Pharbaco tại Hà Nội. |
Nói về Pharbaco, doanh nghiệp này tiền thân là Xí nghiệp dược phẩm TW1 thành lập vào năm 1954 và cổ phần hóa vào năm 2007. Trụ sở chính hiện nay ở 160 Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội.
Cuối năm 2016, Pharbaco tiến hành một cuộc họp Đại hồi đồng cổ đông bất thường thông qua phương án phát hành thêm 22 triệu cổ phần phổ thông nhằm nâng mức vốn điều lệ lên mức 400 tỷ đồng.
Ba nhà đầu tư mới là Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường, Công ty CP Sài Gòn Pharma và Công ty TNHH Reliv Pharma chia nhau mua trọn lô cổ phần trên và cùng với Công ty CP Appollo - doanh nghiệp của đại gia Ngô Nhật Phương (Công ty mẹ của Pharbaco với tỷ lệ sở hữu lên tới 59,17%) - nắm tổng cộng 76,6% cổ phần cựu Công ty con của Vinapharm.
Sau đợt phát hành này, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tiếp tục giảm xuống mức gần 14,25%. Các cổ đông tư nhân ngoài việc nắm cổ phần chi phối, còn trực tiếp nắm quyền điều hành Pharbaco với việc ông Ngô Nhật Phương được bầu làm giám đốc "Điều hành, tái cơ cấu nhân sự, đầu tư và kiện toàn hoạt động sản xuất" trong năm 2017 để rồi nắm luôn ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Pharbaco giữa năm 2018.
Cuối năm 2018, Đại hội đồng cổ đông Pharbaco tiếp tục thông qua phương án phát hành 55 triệu cổ phần để tăng vốn lên 950 tỷ đồng. Đợt phát hành này, Appollo đăng ký mua 34,12 triệu cổ phần, hai đối tác quen thuộc là Dược phẩm Huy Cường và Sài Gòn Pharma muốn mua lần lượt 5 triệu cổ phần và 10,88 triệu cổ phần, trong khi Công ty CP Đầu tư Thương mại Hương Quê - một pháp nhân có liên hệ cũng mua 5 triệu cổ phần.
Tính tới ngày 22/9/2020, Pharbaco đã hoàn tất tăng vốn lên 900 tỷ đồng, đồng thời Appollo trở thành cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 38,74% vốn và Công ty CP Sài Gòn Pharma đứng vị trí thứ 2 với 27,78%.
Theo Nhà Đầu Tư, thời gian gần đây, nhóm ông Ngô Nhật Phương liên tục phát đi những tín hiệu chuyển giao quyền sở hữu.
Cụ thể, trong các ngày 19/5 và 7/10, Appollo đã bán tổng cộng 10,65 triệu cổ phiếu PBC. Cũng trong ngày 7/10, Công ty CP Sài Gòn Pharma đã bán 9,35 triệu cổ phiếu PBC, giảm tỷ lệ sở hữu từ 27,78% xuống chỉ còn 17,39% vốn điều lệ.
Trước đó, ngày 23/6/2020, Công ty TNHH Reliv Pharma đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,2% xuống chỉ còn 3,45% vốn điều lệ, qua đó không còn là cổ đông lớn của PBC. Dược phẩm Huy Cường cũng đã bán ra toàn bộ 5 triệu cổ phiếu, triệt thoái vốn khỏi Pharbaco.
Như vậy, tính thêm 5,56% vốn điều lệ mà Công ty CP Đầu tư Thương mại Hương Quê, thì đến ngày 27/11/2020, số cổ phần Pharbaco mà nhóm Appollo nắm giữ là 64,25% (tại ngày 1/1/2020 tỷ lệ này là 81,57%).
|
Nữ doanh nhân Trần Tuyết Mai. (Ảnh: Báo Thái Bình). |
Đáng chú ý, khi Appollo bán ra 9,9 triệu cổ phiếu (26/5/2020) thì Hải Hà Petro đã mua vào cùng số lượng trên. Đến ngày 7/10/2020, số cổ phần PBC mà Hải Hà Petro nắm giữ đã lên tới 20 triệu, tương ứng tỷ lệ 22,22%.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 của Pharbaco diễn ra ngày 3/11/2020, các cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với Chủ tịch HĐQT Ngô Nhật Phương, các thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Quân và Nguyễn Thị Nhung.
Đồng thời, bầu thay thế các bà Trần Tuyết Mai, Vũ Thị Hà vào HĐQT. Bà Mai sau đó trở thành Chủ tịch HĐQT mới của Pharbaco.
Thêm một điểm nữa là 4 tháng trước đó, vị trí Tổng giám đốc Pharbaco đầu tháng 7/2020 cũng đã được chuyển giao từ ông Ngô Nhật Phương sang cho ông Tô Thành Hưng (SN 1992) - con trai của bà Trần Tuyết Mai. Hiện ông Hưng đang nắm giữ 1,67% vốn tại Pharbaco sau khi mua vào 1,5 triệu cổ phiếu PBC vào ngày 23/6/2020.