Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều qua (2/6), xung quanh nghi ngại về việc chậm trễ thoái vốn có thể do sợ mất thương hiệu, bán đi mất giá hoặc không muốn bán của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước là Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải phản bác và khẳng định: Chủ trương thoái vốn của Chính phủ là nhất quán, thường xuyên. Bộ Công Thương luôn nhận được sự chỉ đạo thường xuyên của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.
|
Ảnh minh họa. |
Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu lý do chung của quá trình thoái vốn những ông lớn bia rượu: "Nguyên nhân thoát vốn không được như kế hoạch bởi hiện chúng ta còn có nhiều chính sách chưa đồng bộ, nên có vướng mắc nhất định. Ngay tại cùng một cơ quan, cùng một vấn đề cũng có quan điểm khác nhau".
Ông Hải khẳng định: Một số cơ quan, bộ ngành chưa thực sự quyết liệt thực hiện thoái vốn theo đúng tinh thần chỉ đạo.
Về việc thoái vốn Habeco, ông Hải khẳng định: "Hiện chúng ta có vướng mắc nhất là ở hợp đồng đã ký hợp tác với nhà đầu tư chiến lược Carlberg. Trong đó, nếu thoái vốn, bán tài sản Nhà nước phải ưu tiên bán cho họ trước".
Chính vì điều này, Bộ Công Thương thời gian vừa qua đã phải bố trí một lãnh đạo Bộ đặc trách. "Chúng tôi đã thực hiện và thường xuyên báo cáo Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về kết quả cuộc thương thảo này", ông Hải cho biết.
Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ thực hiện theo đúng lộ trình mà Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đặt ra và đôn đốc thực hiện.
Việc thoái vốn khó khăn thời gian qua cùng sự thay đổi ở nhiều vị trí chủ chốt tại Habeco được kỳ vọng sẽ mở ra hướng mới có thể khiến doanh nghiệp này thoái vốn nhanh hơn và dàn xếp được với đối tác chiến lược.