Tháng 5 vừa qua, một nhóm phi công Vietnam Airlines đã gửi kiến nghị đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về các nội dung của thông tư 41/2015 và thông tư 21/2017 của Bộ GTVT.
Theo nhóm phi công, thông tư 41 và thông tư 21 có nội dung quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn thôi việc phải báo trước 120 ngày; khi chuyển đổi nhà khai thác phải chấm dứt hợp đồng. Người lao động phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại.
Trong khi đó, Bộ Luật Lao động quy định: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày”.
|
Nhiều phi công Vietnam Airlines xin nghỉ việc. |
Hơn nữa, quy định "Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chỉ có chứng chỉ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng cho người học trong thời gian đi học…”.
"Dựa vào hai thông tư của Bộ GTVT, Vietnam Airlines đã đưa ra những khoản bồi hoàn vô lý và quá lớn so với người lao động (từ 2 tỷ đến 3,5 tỷ đồng) nhưng không có những hóa đơn hợp lệ để chứng minh theo quy định của Bộ Luật Lao động...”, đơn kiến nghị nêu.
Sau khi nhận đơn kiến nghị của phi công Vietnam Airlines, ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn đến Bộ GTVT để giải quyết theo thẩm quyền.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến việc các phi công xin nghỉ việc là do mức lương Vietnam Airlines trả cho phi công thấp nhất so với 3 hãng hàng không trong nước; ngoài ra đa số phi công trong nước có mức lương thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài được Vietnam Airlines thuê.
Áp dụng luật nào?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, thông tư 41 và sau đó là thông tư 21 của Bộ GTVT quy định điều chỉnh người lao động trong lĩnh vực hàng không, vì thực chất đây là lĩnh vực đặc biệt.
Việc đào tạo các nhân viên trong hàng không, đặc biệt là phi công hoặc các thành viên của tổ lái rất mất thời gian và qua nhiều quy trình. Do vậy, 2 thông tư trên ra đời nhằm điều chỉnh các vấn đề này.
Thứ trưởng Nhật cũng nói thêm, Điều 70 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chế độ lao động đặc thù với các nhân viên hàng không. Căn cứ vào đó, Bộ trưởng Bộ GTVT xây dựng thông tư 41, và nay được thay thế bằng thông tư 21. Việc này nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng các nhân viên phục vụ trong ngành hàng không, đồng thời tạo điều kiện sử dụng nguồn nhân lực để không tạo nên biến động lớn trong các công ty hàng không.
Theo đó, nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày, vì tuyển dụng, đào tạo, thay thế một phi công là cả một quá trình.
"Còn Điều 37 của Luật Lao động quy định người lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước ít nhất 45 ngày. Điều này chỉ quy định mức độ giới hạn tối thiểu chứ không quy định mức độ tối đa”- Thứ trưởng Nhật nói rõ.
Khoản 2 Điều 3 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã ghi rõ: Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật này.
Ông Nhật cũng cho biết thêm, hiện nay Hãng hàng không Vietjet Air có tới 76% phi công thuê từ nước ngoài, Vietnam Airlines cũng thuê 25% phi công từ nước ngoài nên việc quản lý các nhân lực lao động này thực sự là vấn đề phức tạp nếu không có các quy định chặt chẽ.