Phản ánh đến Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, người dân cho biết, thời gian gần đây, dọc tuyến đường Phạm Tu thuộc địa phận xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, người dân sử dụng trạc thải xây dựng, đất thải để san lấp, tôn nền đất nông nghiệp làm biến dạng địa hình, nhằm tạo mặt bằng, cơ sở kinh doanh.
Ông N.N.N., người dân địa phương, cho hay, hoạt động san lấp đất nông nghiệp diễn ra công khai, rầm rộ nhưng chính quyền địa phương chưa xử lý dứt điểm. “Có hay không việc xã làm làm ngơ để một thời gian ngắn, nhiều diện tích đất nông nghiệp khu vực này bị san lấp, sử dụng không đúng mục đích, đứng trước nguy cơ xóa sổ?”, ông N. nêu câu hỏi.
|
Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở xã Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) bị san lấp, sử dụng không đúng mục đích đất. Ảnh: Đoàn Khang. |
Ghi nhận của PV giữa tháng 7/2024, tại khu vực bị phản ánh, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã và đang được san lấp mặt bằng. “Mọc” trên những khu đất này là hàng loạt kho bãi, cơ sở kinh doanh, sân bóng đá mini, sân cầu lông cỏ nhân tạo, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn.
Tại một khu đất nông nghiệp mới san lấp, vẫn còn máy xúc dừng hoạt động, đủ loại gạch đá, đất lẫn rác bẩn được đưa về san lấp mặt bằng. Chủ đất còn dựng hàng rào sắt, quây kín xung quanh khu đất bằng lưới đen để tránh bên ngoài phát hiện. Đáng nói, mặt bằng đất nông nghiệp bên trong có dấu hiệu tiếp tục được san lấp mở rộng.
|
Đủ loại gạch đá, đất lẫn rác bẩn được đưa về san lấp mặt bằng đất nông nghiệp. Ảnh: Đoàn Khang. |
Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Trình Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt - thừa nhận, có tình trạng đổ đất trộm để tôn nền mặt bằng đất nông nghiệp ở địa phương.
Theo ông Thắng, khu vực người dân phản ánh nằm tiếp giáp đất quy hoạch công viên Chu Văn An giai đoạn 2. Giai đoạn này, công viên chưa triển khai do huyện thiếu vốn, một số người dân đổ trộm đất đá thải vào ban đêm để tôn nền mặt bằng. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý đối với địa phương.
“Khu vực này còn khoảng 14 -15 ha đất nông nghiệp. Nếu người dân làm đơn để trồng cây thì không có vấn đề gì. Muốn chuyển đổi, phải tổng hợp lại để xã báo cáo, xin ý kiến của huyện”, ông Thắng nói.
Đề cập khu vực mới bị san lấp, ông Thắng nói, trước đây, khu đất này được người dân địa phương sử dụng làm ao thả cá nhưng không hiệu quả, cá chết hết. Sau đó, người dân cho thuê lại. Việc đổ đất, tôn nền vào khu đất là đổ trộm, chủ đất không có tờ trình xin ý kiến của xã. Xã phát hiện, đã lập biên bản với chủ đất, đồng thời yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động liên quan san lấp.
* Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin vụ việc.
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, san lấp trái phép đất nông nghiệp là hành vi hủy hoại đất mà pháp luật nghiêm cấm. Mức xử phạt hành chính khi san lấp trái phép đất nông nghiệp được quy định tại Điều 15, Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 1 ha trở lên, có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
Với những trường hợp gây ô nhiễm, mức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài xử phạt hành chính đối với hành vi san lấp đất nông nghiệp trái phép, cơ quan chức năng có thể áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả. Đó là bắt buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước vi phạm. Trường hợp người vi phạm không chấp hành, Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai.