Tại vị trí khu đất bãi Bắc Biên có ngôi đền Mẫu Thoải đã tồn tại nhiều năm. Ngôi đền này là của cộng đồng dân cư phường Ngọc Thuỵ, (quận Long Biên, Hà Nội), tuy nhiên nhiều năm nay người dân tổ dân phố số 10 vô cùng bức xúc tố bà Nguyễn Thị Lệ Dung, quản lý đền có nhiều dấu hiệu sai phạm.
Quản lý đền Mẫu Thoải xây dựng trái phép, thu chi không minh bạch?
Theo phản ánh của người dân ở tổ dân phố số 10 (phường Ngọc Thụy), bà Nguyễn Thị Lệ Dung đã có hành vi lấn chiếm gần 400m2 đất sát với đền, tự ý xây dựng các công trình như tường bao quanh, ki-ốt. Trong đó, phần đất tự ý xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê sông Hồng.
|
Bà Nguyễn Thị Lệ Dung bị tố xây lấn chiếm hành lang bảo vệ đê sông Hồng tại đền Mẫu Thoải. |
Bà Dung còn bị người dân tố tự ý kinh doanh, cho thuê ki-ốt bán hàng trái phép, trông giữ ô tô trong đền Mẫu Thoải nhằm thu lợi?
Theo đó, năm 2017, bà Nguyễn Thị Lệ Dung đã ký biên bản thỏa thuận về việc cho thuê sử dụng gian hàng tại khu vực trong đền. Cụ thể, cho bà L. T. B. L. thuê gian hàng với diện tích 16m2, với thời hạn cho thuê là 2 năm. Hàng tháng, bà L. phải trả cho bà Dung làm đại diện đền Mẫu Thoải là 1.500.000 đồng.
“Ai đến đền Mẫu Thoải muốn vào trong thì phải gọi điện thoại cho bà Dung để bà ấy chỉ đạo người ra mở cửa. Bà Dung thích mở/đóng cửa lúc nào tùy ý. Toàn quyền quản lý đền này là bà Dung, trong khi đền là đền chung của cộng đồng dân cư”, người dân phản ánh.
|
Bà Dung tự ý xây ki-ốt trong đền Mẫu Thoải và cho thuê kinh doanh. |
Cũng theo người dân, các khoản thu chi tại đền Mẫu Thoải không được bà Dung công khai, hay họp bàn. Tất cả việc này diễn ra đến nay đã gần 25 năm nhưng chính quyền sở tại không xử lý khiến cộng đồng dân cư ở đây vô cùng bức xúc.
|
Người dân gửi đơn tố cáo bà Dung lên UBND phường Ngọc Thụy trước đó. |
Quản lý đền Mẫu Thoải nói gì?
Nhằm đa chiều, khách quan các thông tin liên quan, ngày 29/9/2021 PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã liên hệ và có buổi làm việc trực tiếp với bà Nguyễn Thị Lệ Dung.
Tại buổi làm việc, bà Dung cho biết bản thân trông coi, xây dựng đền Mẫu Thoải từ năm 1996 đến nay. Thời điểm bà Dung trông coi, đền chỉ có một cung Mẫu nhỏ hẹp, lụp xụp. Sau đó, bà quản lý và mọi người về thắp hương, cúng bái nhiều nên có tiền công đức hàng tháng.
“Khi tôi quản lý đền Mẫu Thoải, muốn xây dựng tôi đều phải đi vay và tự trả. Từ xưa đến nay, chính quyền không hỗ trợ kinh phí nên tôi phải kêu gọi mọi người công đức và đi vay. Tiền tôi vay của các cô buôn bán ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và có ghi sổ sách vay đầy đủ. Bây giờ tôi còn nợ khoảng 14 tỷ đồng. Do nợ tiền mọi người nhiều nên cuối năm, ai ở gần tôi lại đến nhà, còn ai ở xa tôi sẽ gọi điện hỏi, nếu cần thì tôi trả, tôi lại vay chỗ nọ chỗ kia”, bà Dung nói.
Theo bà Dung, Ban quản lý đền Mẫu Thoải hiện có 13 người, bản thân bà là thủ nhang. Trong Ban quản lý có cả những cá nhân là người ở nơi khác.
|
Đơn tố cáo bà Dung mà người dân gửi lên UBND phường Ngọc Thụy trước đó. |
Bà Dung thừa nhận, việc bản thân xây 3 ki-ốt trong đền cho người bên ngoài thuê bán hàng. Tuy nhiên, từ tháng 9/2019 đến nay, việc kinh doanh không còn nữa.
Nói về thông tin bị tố xây dựng đền Mẫu Thoải lấn chiếm hành lang đê điều, bà Dung khẳng định năm 2019, bà thấy các cung trong đền bị xuống cấp, hư hỏng nên bà đã xin ý kiến phường Ngọc Thụy, quận Long Biên để sửa chữa, tu bổ, xây mới nhiều hạng mục và đã được chính quyền đồng ý.
Về mặt thu chi ở đền Mẫu Thoải, những người đến đền trình Đồng đều phải mất phí, sắm đàn lễ, mỗi người lễ bà thu từ 4 triệu đồng/lần. Trong đó, nếu tiền mọi người bỏ hòm công đức hàng tháng, bà Dung khẳng định có mời đại diện hội quy phật tử và đội dâng hương, ban quản lý đền Mẫu Thoải ra đếm, ghi vào sổ đầy đủ, báo cáo công khai?
Bà Dung thông tin thêm, bản thân có ý định giao lại đền Mẫu Thoải cho người khác quản lý và gửi danh sách những người bà từng vay tiền để xây, sửa đền nhưng không ai nhận?
Trước sự việc trên, UBND phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) nói gì? Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.