Hà Nội không “thông cửa” bay nội địa có thích ứng “bình thường mới”?

Google News

“Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài không phải thẩm quyền của UBND TP Hà Nội mà của Bộ GTVT. Do nằm trên địa bàn thành phố, Bộ GTVT nếu cần thiết thì phải xin ý kiến của cấp thẩm quyền đó là Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo với UBND TP Hà Nội”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

Mới đây, Cục Hàng không có văn bản gửi 19 tỉnh, thành xin ý kiến về kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ từ ngày 5/10.
Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có TP HCM, Khánh Hòa, Bình Định, Điện Biên và Phú Yên đồng ý mới lại tuyến bay nội địa, đa số các địa phương còn lại đều từ chối để nghị của Cục Hàng không bao gồm cả các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng với nhiều lý do khác nhau.
Hiện, dư luận đặt ra hai vấn đề: Nếu an toàn rồi mà vẫn không mở cửa thì thành quả của thích ứng an toàn, linh hoạt và có kiểm soát là gì? Thẩm quyền mở hay đón là của địa phương, sân bay là của địa phương hay cần sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương?
Ha Noi khong “thong cua” bay noi dia co thich ung “binh thuong moi”?
 Sân bay Nội Bài. Ảnh: TTXVN
Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài không phải thẩm quyền của UBND TP Hà Nội…
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, về mặt văn bản quy phạm pháp luật và quy định thẩm quyền, Bộ GTVT nên ban hành văn bản yêu cầu các địa phương phối hợp mở lại các tuyến bay nội địa.
Trong tình hình hiện nay, nhiều địa phương đã thực hiện theo chỉ thị 15 và 19, Thành phố Hà Nội cũng đã thực hiện bình thường mới. Đường bộ, đường sắt của TP Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc đã được lưu thông với nhau. Do đó, về hàng không, TP Hà Nội cũng cần nghiên cứu lại.
“Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài không phải thẩm quyền của UBND TP Hà Nội mà của Bộ GTVT. Do nằm trên địa bàn thành phố, Bộ GTVT nếu cần thiết thì phải xin ý kiến của cấp thẩm quyền đó là Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo với UBND TP Hà Nội. Nếu Bộ GTVT và TP Hà Nội thống nhất với nhau thì chuyện này rất dễ, nếu không thống nhất được nên có ý kiến của Thủ tướng để chỉ đạo chung việc mở hay không mở sân bay Nội Bài”, đại biểu Hòa nói.
Ha Noi khong “thong cua” bay noi dia co thich ung “binh thuong moi”?-Hinh-2
 Đại biểu Phạm Văn Hòa.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, mới đây, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã bàn giải pháp chuyển hướng chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhưng sân bay bây giờ chỗ mở, chỗ không mở thì trong phát triển kinh tế, song song thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ sẽ không hiệu quả và hiệu quả không cao.
“Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước cùng với TP HCM nên hàng không cực kỳ quan trọng. Sân bay Nội Bài mà không cho mở sẽ là thiệt thòi và việc khôi phục và phát triển kinh tế sẽ hẹp.”, đại biểu Hòa nói và đặt câu hỏi: Tại sao các tỉnh, thành ở phía Bắc trong đó có Hà Nội cho phép đường bộ đi lại mà đường hàng không lại không cho đi?
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, sân bay nằm trên địa bàn của chính quyền địa phương quản lý về mặt nhà nước trên địa bàn còn sân bay là của Cục Hàng không, Bộ GTVT quản lý. Khi sân bay đóng trên địa bàn thì địa phương chịu trách nhiệm về mặt quản lý về mặt Nhà nước, về tình hình dịch bệnh, Thủ tướng đã giao thẩm quyền cho cấp chính quyền từng tỉnh, thành nên cần sự phối hợp thống nhất với nhau giữa Bộ GTVT và các địa phương.
“Nếu mỗi địa phương áp dụng một quy định riêng, việc mở cửa lại kinh tế sẽ khó đạt được hiệu quả. Việc dừng bay nội địa cần phải xem xét lại vì các chuyến bay nội địa đã có quy định cụ thể để kiểm tra hành khách ngay tại sân bay. Kế hoạch mở cửa, phát triển kinh tế giữa các địa phương nếu vướng mắc bởi những quy định riêng rẽ có thể sẽ trở nên vô nghĩa. Từng bước khôi phục kinh tế mà mỗi địa phương lại áp dụng một cách làm riêng, người mở cửa, người không mở cửa như vậy là không có sự gắn kết chung trong toàn quốc, tôi nghĩ là vô dụng”, đại biểu Hòa nói.
Từ đó, ông Hòa cho rằng, mở chuyến bay nội địa cần có điều kiện và cần thống nhất tiêu chí dịch tễ mà không tùy tiện áp dụng các quy định về cách ly.
“Hành khách cần test để khẳng định không bị dương tính. Nếu đã tiêm được 2 mũi ngừa COVID-19 hoặc một mũi sau 14 ngày thì phải cho đi. Do đó, Chính phủ và Bộ Y tế phải xác định tiêu chí, điều kiện thống nhất thì người dân được di chuyển từ địa phương này sang địa phương kia, nếu làm được vậy, toàn quốc sẽ thực hiện trơn tru, chứ chỗ cho mở chỗ không cho mở thì hết sức lan giải. Nếu Hà Nội không cho mở, Bộ GTVT muốn thì phải xin ý kiến của Thủ tướng để có chỉ đạo chung”, đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Cần báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương khi trao đổi với PV, khẳng định, ông ủng hộ việc mở lại các đường bay nội địa, bởi, đây là một trong những nhân tố rất quan trọng để đảm bảo sự giao thương, hoạt động của nền kinh tế.
“Trong số các địa phương chưa đồng ý, có Hà Nội, tôi đề nghị cần báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cần tổ chức buổi thảo luận dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng để lắng nghe ý kiến của các địa phương chưa đồng ý và tìm ra các biện pháp tạo điều kiện mở lại các đường bay nội địa mà không gây ra sự đe đọa hay những tác động tiêu cực đối với việc phòng, chống dịch COVID-19”, TS Lê Đăng Doanh nêu ý kiến.
Ha Noi khong “thong cua” bay noi dia co thich ung “binh thuong moi”?-Hinh-3
 TS Lê Đăng Doanh.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nhiều nước không có việc phong tỏa mà chỉ áp dụng giãn cách xã hội, tức là tạo ra khoảng cách trong giãn cách xã hội ở mức độ rất thấp như Thụy Điển, Pháp, Đức không có việc phong tỏa hoàn toàn như vậy. Việc phong tỏa đã gây ra tác hại quá dài và quá lâu đối với nền kinh tế của chúng ta.
Trước đó, tại buổi giao ban công tác 9/2021 của Bộ GTV sáng 29/9, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng, khôi phục vận tải, trong đó có hàng không, là vấn đề sống còn, đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ có quan điểm thống nhất trên cả nước.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch khôi phục mạng bay nội địa và đang xin ý kiến các địa phương, Bộ Y tế.
"Bộ Y tế đã cơ bản đồng ý phương án, có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ GTVT làm cơ sở triển khai. Bộ Y tế ủng hộ phương án hành khách chỉ cần đáp ứng điều kiện tiêm 1 mũi vaccine hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19. Trường hợp hành khách không thuộc 2 đối tượng này phải có xét nghiệm âm tính với COVID-19", ông Thắng nói và cho biết, vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai kế hoạch bay nội địa trở lại nằm ở phía các địa phương, đặc biệt là Hà Nội.
Nhấn mạnh, khôi phục vận tải là vấn đề sống còn, không chỉ là với hàng không, ông Thắng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ có quan điểm thống nhất trên cả nước, cứ để mỗi địa phương áp dụng một kiểu sẽ rất khó bay nội địa trở lại.
Trả lời Cục Hàng không Việt Nam, UBND TP Hà Nội đề nghị làm rõ nhiều vấn đề và nói rõ chỉ khi Hà Nội, các tỉnh lân cận có văn bản thống nhất mới được tổ chức các chuyến bay chở khách nội địa đến sân bay Nội Bài.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ GTVT về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ đi, đến Hà Nội trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 để lấy ý kiến UBND TP Hà Nội và các tỉnh, TP lân cận theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Đồng thời cũng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam làm rõ một loạt vấn đề như với hành khách đi máy bay, cần làm rõ tiêu chí được bay như: hành khách thuộc các vùng xanh, thuộc các vùng có mức độ dịch ở cấp 3, cấp 4 cần được sự cho phép của chính quyền nơi đi và sự tiếp nhận của chính quyền nơi đến;
Đối với người dân hiện đang ở tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tạm thời chưa di chuyển đến địa phương khác theo đúng tinh thần và nội dung chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện số 1265 ngày 30/9 về việc tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và công văn số 3251/UBND-ĐT ngày 1/10 của UBND TPHCM về việc phối hợp, hỗ trợ người dân lưu thông trong trường hợp cấp thiết.
Cần làm rõ phương án bố trí phương tiện đưa đón hành khách đi, đến sân bay Nội Bài với các địa phương có khách đi và đến đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của các địa phương và để đảm bảo hành khách đi sân bay Nội Bài được các địa phương tiếp nhận. Cần làm rõ cơ chế phối hợp với cơ quan y tế các địa phương để đảm bảo những hành khách đi máy bay theo dự thảo kế hoạch có thuộc nhóm đối tượng phải thực hiện cách ly và các biện pháp cách ly cụ thể để đảm bảo phối hợp được chặt chẽ…
UBND TP Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ tổ chức khai thác các đường bay nội địa đi, đến sân bay quốc tế Nội Bài khi đã báo cáo Bộ GTVT, Bộ Y tế và được sự thống nhất bằng văn bản với UBND TP Hà Nội và các tỉnh, TP lân cận, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thủ đô.
 >>> Mời độc giả xem thêm video TP Hồ Chí Minh nới lỏng những gì từ 1/10:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)