Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải xe công nghệ thực hiện đầy đủ việc báo cáo hoạt động định kỳ. Trong đó, có các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Grab, Công ty CP Be Group, Công ty TNHH Gojek Việt Nam, Công ty TNHH MTV Logistics Viettel, Công ty CP FastGo Việt Nam và các đơn vị cung cấp phần mềm (ứng dụng gọi xe 2 bánh) khác.
Trong nhóm các doanh nghiệp nêu trên, Grab, Gojek, Be đang là 3 ứng dụng gọi xe có thị phần hàng đầu tại thị trường Việt Nam.
|
Ảnh minh họa. |
Được biết, Grab gia nhập thị trường từ năm 2014, mảng kinh doanh đầu tiên Grab phát triển tại Việt Nam là hoạt động kết nối người dùng và tài xế taxi. Đến nay, Grab đã phát triển hàng loạt mảng kinh doanh từ kết nối taxi, xe máy, giao hàng, đi chợ hộ, ví điện tử, siêu thị…
Về hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính năm 2021 cho thấy, doanh thu của Grab Việt Nam giảm 11% so với năm 2020, xuống còn 3.345 tỷ đồng. Dù vậy, giá vốn bán hàng lại tăng nhẹ khiến lợi nhuận gộp của Grab giảm 19,5%, còn 1.950 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Grab Việt Nam lỗ khoảng 300,5 tỷ đồng. Lợi nhuận của Công ty này đảo chiều so với năm 2020 (lãi hơn 243 tỷ đồng) chủ yếu bởi chi phí bán hàng tăng mạnh. Năm 2021, Grab Việt Nam ghi nhận chi phí bán hàng 1.926 tỷ đồng, tăng gần 390 tỷ đồng so với năm 2020.
Tính đến hết năm ngoái, Công ty TNHH Grab ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 4.365 tỷ đồng. Dù vốn chủ sở hữu đến hết năm 2021 âm 4.345 tỷ đồng, tổng nguồn vốn của Grab Việt Nam vẫn đạt gần 1.350 tỷ đồng chủ yếu nhờ vào các khoản nợ và vay tài chính dài hạn.
Tiếp theo, Gojek là một trong những siêu ứng dụng nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Startup Indonesia này từng được định giá trên 10 tỷ USD trước khi sáp nhập với sàn thương mại điện tử Tokopedia thành GoTo Group hồi tháng 5/2021.
Gojek ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 8/2018 với tên gọi GoViet cùng hai dịch vụ GoBike (gọi xe máy) và GoSend (giao nhận). Chỉ 2 tháng sau, hãng này tiếp tục tung ra dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến GoFood.
Theo số liệu của Người Đồng Hành, hai trong ba năm gần đây Gojek Việt Nam đều lỗ trên 1.000 tỷ đồng, trong đó năm 2019 khoản lỗ này lên đến hơn 1.680 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu thuần của Gojek Việt Nam giai đoạn 2020-2021 vào khoảng trên dưới 350 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 đối thủ Grab.
Khoản lỗ của Gojek Việt Nam chủ yếu do chi phí bán hàng lớn. Năm 2019, chi phí bán hàng của Công ty là hơn 1.412 tỷ đồng. Con số này giảm xuống còn 753 tỷ đồng vào năm 2020 sau đó lại tăng lên mức hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2021.
Đối với Be, đây là ứng dụng gọi xe thuần Việt, bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội và TP.HCM vào tháng 12/2018 với 2 dịch vụ vận chuyển chính là beBike và beCar. Sau gần một năm hoạt động, ứng dụng mở rộng sang mảng giao hàng.
Sau 4 năm kể từ thời điểm ra mắt, Be phát triển hệ sinh thái công nghệ mở gồm dịch vụ vận chuyển, giao hàng, giao đồ ăn, mua sắm, bảo hiểm, viễn thông và lĩnh vực tài chính. Ứng dụng nay hoạt động tại 28 tỉnh thành trên toàn quốc, đạt hơn 20 triệu lượt tải ứng dụng.
Nửa đầu năm 2022, doanh thu của Be tại thị trường trọng điểm là TP.HCM tăng gấp 2 lần. Riêng quý 1, toàn thị trường vượt hơn 1,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng phát sinh giao dịch trên nền tảng. Công ty cho biết bắt đầu có lãi góp dương từ quý 3.
Hồi tháng 8/2022, dư luận đặc biệt quan tâm trước thông tin giá, phí ship giao hàng GrabFood bị tố không minh bạch từ ứng dụng gọi xe Grab, gây ảnh hưởng đến niềm tin khách hàng.
Cụ thể, thông tin trên báo Công Thương nêu, tài xế của Grab (trú tại TP. HCM) nhận “cuốc xe” giao đồ ăn, gần 3km từ Phan Xích Long đi Nguyễn Văn Công, có giá phí là 36.000 đồng, (trong đó có 9.000 đồng là phí đặt đơn giá trị nhỏ cộng với phí dịch vụ). Khi đó, người chạy Grab chỉ thực nhận 11.636 đồng từ phần chiết khấu của 16.000 đồng, mà không phải là từ 27.000 đồng…
Được biết, điều kiện sau khi bị trừ 8% thuế VAT và 20% chiết khấu cho ứng dụng, thì phần còn lại là giá trị nhận được của người chạy Grab sau mỗi chuyến xe, giao hàng.
Đại diện truyền thông Grab Việt Nam sau đó đã đưa ra hàng loạt các thông tin: Cước phí giao hàng chênh lệch về thu nhập sẽ được Grab bù đắp trực tiếp vào ví của đối tác hoặc thông qua các chương trình hỗ trợ thu nhập khác; tùy theo từng thời điểm, ở từng khu vực, với từng cửa hàng, để áp biểu giá linh động; liên tục cải tiến công nghệ và thuật toán; thu nhập chênh lệch được tăng thêm hoặc giảm đi cước phí giao hàng là do người dùng chi trả...