Đại diện của startup gọi xe Indonesia Go-Jek, cho biết ứng dụng này đã chạy thử nghiệm tại 12 quận của TP.HCM từ ngày 1/8.
Tiếp đó, công ty sẽ chính thức triển khai dịch vụ tại các thành phố lớn của Việt Nam gồm TP.HCM, Hà Nội và có thể cả Đà Nẵng vào tháng 9 tới, thông qua đối tác bản địa - Go-Viet. Các dịch vụ được Go-Jek triển khai tại Việt Nam sẽ bao gồm dịch vụ gọi xe ôm Go-Bike và giao hàng Go-Send.
Để triển khai dịch vụ tại Việt Nam, Go-Viet cho biết đã được chuyển giao kiến thức, chuyên môn, công nghệ và đầu tư vốn từ Go-Jek.
Theo một số nguồn tin thân cận của Nikkei, để đảm bảo triển khai thành công, Go-Viet đã thuê một số cựu giám đốc của Uber sau khi công ty này bán hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab vào tháng 3.
Tuy nhiên, Go-Viet từ chối bình luận về thông tin này.
Dịch vụ của Go-Jek tại Việt Nam sẽ được triển trai dưới tên thương hiệu Go-Viet với ứng dụng, mũ bảo hiểm và đồng phục màu đỏ, khác biệt hoàn toàn với màu xanh lá cây của Grab - ứng dụng gọi xe có thị phần lớn nhất tại Việt Nam sau khi thâu tóm Uber.
|
Tên thương hiệu cùng đồng phục, mũ bảo hiểm đỏ của Go-Viet tại Việt Nam. |
Công ty sẽ bắt đầu đưa ra các chính sách ưu đãi để thu hút lái xe, bao gồm các lái xe Uber cũ, ví dụ như đồng phục miễn phí và hỗ trợ phí 1,27 USD (khoảng 29.500 đồng) mỗi chuyến.
Đồng sáng lập, CEO Nguyễn Vũ Đức, cho biết Go-Viet nhắm tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp nền tảng đa dịch vụ lớn nhất tại Việt Nam và sẽ theo các tiêu chuẩn quốc tế dựa, trên công nghệ của Go-Jek.
Go-Viet dự kiến sẽ cung cấp "hệ sinh thái toàn diện gồm 18 dịch vụ của Go-Jek", bao gồm gọi xe, thanh toán điện tử, dịch vụ thuê giặt là, vệ sinh... Nền tảng này cho phép người dùng đặt cùng lúc nhiều dịch vụ, hoặc gọi nhiều hơn 1 tài xế cùng thời điểm - lợi thế quan trọng so với các ứng dụng khác trên thị trường, đại diện của Go-Viet cho biết.
Công ty mẹ Go-Jek đang tích cực mở rộng sang thị trường Việt Nam - nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thu vực Đông Nam Á, nơi các khách hàng sành công nghệ sử dụng smartphone chiếm tới 84% trong số 120 triệu thuê bao di động.
Go-Jek đã nhận được vốn đầu tư từ nhiều công ty gồm Astra International, Warburg Pincus, KKR, Meituan-Dianping, Tencent, Google và Temasek. Công ty này tuyên bố sẽ rót 500 triệu USD vốn đầu tư để triển khai dịch vụ tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines - nằm trong kế hoạch mở rộng toàn cầu sau khi Uber rút khỏi Đông Nam Á.
CEO, đồng sáng lập Go-Jek - Nadiem Makarim, cho biết hoạt động của công ty tại các thị trường mới như Việt Nam và Thái Lan sẽ được vận hành bởi đội ngũ sáng lập tại địa phương.
"Chiến lược này nhằm kết hợp công nghệ của Go-Jek với sự hiểu biết sâu sắc về thị trường và chuyên môn của đội ngũ bản địa, nhằm tạo ra một doanh nghiệp thực sự hiểu khách hàng", Nadiem Makarim nói trong một thông cáo báo chí hồi tháng 6.