Giới trẻ Trung Quốc đổ xô mua thực phẩm sắp hết hạn dùng

Google News

Trước nhu cầu ngày một tăng, mô hình kinh doanh thực phẩm cận hạn sử dụng đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc.

Theo CGTN, sau khi lượt một loạt sản phẩm trên Taobao, sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, Zhang Shijia bỗng nảy ra ý tưởng mua thực phẩm cận đát. Thay vì bỏ ra 6,2 USD mua một túi chocolate bình thường, cô quyết định chọn túi còn 6 tháng hạn sử dụng với giá 1,54 USD.

“Giá của chúng thấp hơn nhiều. Nếu tôi có thể ăn hết trong vài ngày thì việc tiêu thụ thực phẩm cận đát đâu có khác biệt gì?”, Zhang nói

Theo báo cáo của công ty tư vấn iiMedia Research, trong năm 2020, ngành công nghiệp thực phẩm cận đát có quy mô thị trường khoảng 4,6 tỷ USD ở Trung Quốc. Xu hướng này chủ yếu thu hút người trẻ từ 26-35 tuổi, chiếm 47,8%. Cũng qua khảo sát, 4/10 người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng mua và giới thiệu các loại thực phẩm cận đát.

Gioi tre Trung Quoc do xo mua thuc pham sap het han dung

Khoảng 2,1 triệu người Trung Quốc mua bán thực phẩm cận đát. Ảnh: China Daily.

Dư thừa thực phẩm gây áp lực lên môi trường

Hiện có hơn 10.000 gian hàng chuyên bán các loại thực phẩm cận đát trên Taobao. Trong năm 2020, khoảng 2,1 triệu người tiêu dùng đã giao dịch, mua bán loại thực phẩm này. Ngoài ra, các cửa hàng truyền thống bán thực phẩm cận đát cũng phát triển mạnh, chủ yếu tập trung ở Thượng Hải và Bắc Kinh.

Đối với Yang Zhi, 36 tuổi, việc chọn mua thực phẩm cận đát đã trở thành thói quen từ đầu năm nay. “Bạn sẽ có nhiều lựa chọn với giá rẻ chỉ bằng 20-50% thị trường. Việc vứt bỏ các loạt thực phẩm tồn kho gây ra áp lực nặng nề tới mô trường”, Yang nói.

Báo cáo Chỉ số Chất thải Thực phẩm năm 2021 của UNEP ước tính 931 triệu tấn chất thải thực phẩm đã được tạo ra trong năm 2019, chiếm 17% sản lượng lương thực toàn cầu. 60% số này xuất phát ở các hộ gia đình, phần còn lại đến từ những cơ sở bán lẻ và dịch vụ thực phẩm.

Theo báo cáo Tình trạng An ninh Lương thực và Dinh dưỡng trong năm 2020 của Liên Hợp Quốc, khoảng 811 triệu người trên toàn thế giới đang rơi vào cảnh bị đói, tăng 160 triệu người so với năm 2019.

Tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của 2,37 tỷ người tại các nước đang phát triển, bao gồm châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và vùng Caribe.

Việc thế giới bị nạn đói hoành hành có thể liên quan đến đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ tình trạng lãng phí và thất thoát lương thực.

Tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực an ninh lương thực ReFED tiết lộ 35% lượng lương thực tại Mỹ, tương đương 2% GDP của quốc gia này, không tiêu thụ được trong năm 2019.

Tại Trung Quốc, cuộc khảo sát của Đại hội nhân dân nước này ước tính lượng chất thải thực phẩm tại các thành phố hàng năm dao động từ 17-18 triệu tấn. Chính phủ Trung Quốc đã phải ban hành luật chống lãng phí thực phẩm vào tháng 4/2021.

Tại Nhật Bản, lượng chất thải thực phẩm là khoảng 6 triệu tấn. Theo Inger Andersen, lãnh đạo của UNEP, 8-10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu đến từ tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực.

Mô hình kinh doanh phát đạt

Phong trào tiêu thụ thực phẩm sắp hết hạn đang trở thành niềm tự hào của nhiều người trẻ Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc kinh doanh mô hình bán thực phẩm cận đát cũng tương đối thành công.

“Trung bình chúng tôi tiếp 1.000 khách/ngày. Nước đóng chai, đồ ăn nhẹ và một số loạt mỹ phẩm như mặt nạ dưỡng da là mặt hàng bán chạy nhất”, Zhang Lilei, quản lý cửa hàng bán đồ cận đát Hotmaxx, chia sẻ.

Zhang phải dậy sớm mỗi buổi sáng cùng nhân viên để kiểm tra hạn sử dụng và tình trạng hàng hóa. Họ sẽ dán nhãn các sản phẩm hết hạn trong một tháng, ưu tiên ở khu vực dễ thấy và loại bỏ các sản phẩm còn 15 ngày là hết hạn. Một số sản phẩm có giá bán thấp hơn 20% so với giá thị trường.

Khách hàng chủ yếu của cửa hàng là giới trẻ hoặc nhân viên văn phòng trung tuổi làm việc gần đó. “Cuộc sống ở Bắc Kinh rất đắt đỏ. Bạn phải tiết kiệm để trả tiền nhà, tiền học cho con cái”, Song Li, một bà mẹ 40 tuổi thường lui tới cửa hàng mua đồ cho con trai, kể.

Gioi tre Trung Quoc do xo mua thuc pham sap het han dung-Hinh-2

Người dùng Trung Quốc hướng đến thực phẩm cận đát vì muốn tiết kiệm. Ảnh: SCMP.

Cửa hàng Hotmaxx đầu tiên được mở vào năm 2016 tại Thượng Hải và nhanh chóng trở thành thành chuỗi. Hotmaxx đã ký thỏa thuận với hơn 500 thương hiệu thực phẩm trong và ngoài nước, đồng thời xây dựng hệ thống 80 cửa hàng khắp các khu tài chính và dân cư.

Ngoài ra, ngành kinh doanh thực phẩm cận đát còn phát triển mạnh mẽ trên mạng. Hầu hết nhà bán lẻ ngoại tuyến lớn như chuỗi siêu thị từ chối nhập thực phẩm đã qua 2/3 thời hạn sử dụng. Đây là vấn đề khiến các công ty thực phẩm đau đầu mỗi khi kiểm kê.

“Hàng trăm tỷ nhân dân tệ thực phẩm và đồ uống đóng gói bị vứt đi mỗi năm”, Lei Yong, nhà sáng lập nền tảng Haoshiqi.net cách đây 5 năm, cho biếi. Do vậy, việc đẩy mạnh tiêu thụ thực phẩm cận đát sẽ giảm thiểu thiệt hại cho các công ty cung cấp, tránh xảy ra tình trạng lãng phí.

Theo Peng Peng, người phụ trách mảng kinh doanh thực phẩm của Taobao, doanh thu hàng năm của thực phẩm cận đát đã tăng gấp đôi vài năm trở lại đây. Các gian hàng bán dòng sản phẩm này bắt buộc phải có chứng nhận chất lượng và công khai ngày hết hạn.

Đại dịch cũng đã tạo thêm động lực phát triển cho ngành công nghiệp này. Zhu Yi, Phó giáo sư tại Cao đẳng Khoa học và Công nghệ Thực phẩm thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết do sự chậm trễ trong khâu hậu cần đã khiến nhiều thực phẩm bị ứ đọng, vượt qua thời điểm tốt nhất để tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc đóng cửa nhiều nhà bán lẻ ngoại tuyến cũng là nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng bị dư thừa.

“Thực phẩm cận đát vẫn đảm bảo an toàn nếu được xử lý và bảo quản trong điều kiện, nhiệt độ thích hợp”, phó giáo sư Zhu nói. Tuy nhiên, Zhu cho biết hương vị của các loại thực phẩm này có thể giảm đi.

Theo PV/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)