Giảm thuế VAT về 8%: Tiêu dùng có thoát cảnh ảm đạm?

Google News

Dự báo nếu tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống còn 8%, sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Chính Phủ vừa trình Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022. Thời gian đề xuất áp dụng, theo tờ trình, là từ ngày 1/7 đến hết 31/12 năm nay.

Nhiều đại biểu QH đề xuất thời gian giảm thuế nên kéo dài hơn, tức có thể kéo dài sang 2024 để đảm bảo "chính sách áp dụng là dài hạn, ổn định, tránh giật cục" khiến doanh nghiệp và cơ quan thực thi gặp khó.

Việc giảm thuế VAT về 8% sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đánh giá của Chính phủ, chính sách giảm thuế VAT thời gian qua đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44.500 tỉ đồng, giảm trung bình mỗi tháng khoảng 4.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khi thực hiện giảm thuế VAT đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế VAT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

Chính phủ ước tính ngân sách hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế này về 8% trong nửa cuối năm nay, tức giảm 9.000 tỷ đồng so với phương án giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ.

Giam thue VAT ve 8%: Tieu dung co thoat canh am dam?
 Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT còn 8% - Ảnh minh họa, nguồn: moit.gov.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia, việc giảm thuế VAT sẽ tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường, cả người mua và người bán. Vốn là đối tượng bị ảnh hưởng lớn về thu nhập do dịch bệnh nên giảm thuế sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân và giúp tăng giao dịch trên thị trường.

Trong khi, việc giảm thuế VAT đầu vào, người bán có điều kiện để không tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép chi phí tăng cao. Doanh nghiệp sẽ được tiết kiệm 2% trên tổng doanh số mua vào trong năm, từ đó tiết kiệm được nguồn vốn để sử dụng nguồn tài chính này tái đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

 

Minh Quang

>> xem thêm

Bình luận(0)