Ngày 30/6, đại diện Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã trình Thủ tướng phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng xăng dầu. Đây là đề xuất tiếp theo của cơ quan quản lý tài khóa sau đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường nhằm kìm đà tăng của giá xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, mức giảm cụ thể với 2 sắc thuế này chưa được đưa ra. Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ trình phương án giảm thuế này lên các thành viên của Chính phủ.
Có thể giảm đến hơn 6.000 đồng/lít?
Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang gánh 4 loại thuế chính, gồm thuế nhập khẩu (10%); thuế tiêu thụ đặc biệt (8-10% với xăng); thuế bảo vệ môi trường (2.000 đồng/lít với xăng, 1.000 đồng/lít với dầu) và thuế VAT (10%).
Bên cạnh đó, giá bán lẻ mặt hàng này còn có lợi nhuận định mức 300 đồng/lít và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng/lít xăng, 600-950 đồng/lít dầu.
Giả thiết, nếu đề xuất giảm kịch khung về mức sàn thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua thì trước hết giá xăng sẽ giảm thêm 1.000 đồng/lít.
Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 8-10% cơ cấu giá xăng cơ sở, tức chiếm khoảng 1.700-2.300 đồng trên mỗi lít (tính theo giá xăng thời điểm ngày 30/6). Trong trường hợp, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt thì mức thu sắc thuế này sẽ giảm về 4-5%, tức giá xăng giảm thêm khoảng 850-1.150 đồng trên mỗi lít.
Với giả thiết Bộ Tài chính đề xuất giảm kịch khung sắc thuế này, giá mặt hàng này có thể giảm thêm tới 1.700-2.300 đồng/lít.
Bên cạnh đó, hiện thuế giá trị gia tăng quy định ở mức 10%, tức khoảng 2.800-3.000 đồng/lít với xăng. Nếu giảm 50%, mặt hàng này sẽ được giảm thêm khoảng 1.400-1.500 đồng trên mỗi lít. Nếu giảm kịch khung, mức giảm sẽ gấp đôi.
Như vậy, trong trường hợp Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT, giá xăng trong nước có thể giảm tới 3.250-3.650 đồng/lít (bao gồm giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường). Nếu giảm kịch khung cả 3 sắc thuế, giá mặt hàng này có thể giảm tới 5.500-6.300 đồng/lít.
Ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, sắc thuế khác trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có thể giảm là thuế nhập khẩu (10%). Việc giảm thuế này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên có thể giảm ngay trong tháng 7.
"Theo rà soát, cam kết của Việt Nam trong các FTA là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng. Theo đó, các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết", Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích trong văn bản gửi Bộ Tài chính.
|
Giá xăng dầu đang là vấn đề rất "nóng", ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất tiêu dùng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Phải chờ đến tháng 10-11
Các chuyên gia đánh giá động thái mới của Bộ Tài chính đã quyết liệt hơn trong vấn đề hạ nhiệt giá xăng dầu. Song, theo quy định việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế xuất nhập khẩu (8%), thuế VAT (10%)... đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Quốc hội một năm họp 2 lần, vì vậy sau khi nhận báo cáo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ phải đợi đến kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 10-11 mới trình và chờ thông qua.
Trong khi đó, xăng dầu vừa là mặt hàng thiết yếu vừa là mặt hàng chiến lược quan trọng. Thời gian qua, giá lập kỷ lục liên tục đã tác động lớn đến tâm lý, chi tiêu của người dân, gây áp lực lớn đến giá hàng hóa, chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Trong nhiều lần phát biểu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế VAT thuộc thẩm quyền Quốc hội và không thể áp dụng ngay.
"Trước đây, chúng tôi định có văn bản đề nghị với Chính phủ đề nghị với Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thuế trong xăng dầu. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu Hiến pháp, chúng tôi thấy các quy định nghĩa vụ thuế là theo quy định của pháp luật. Do đó, chỉ khi được Quốc hội đồng ý, Bộ mới có cơ sở để trình", ông Phớc nói tại phiên chất vấn Quốc hội vừa qua.
Một số chuyên gia cho rằng cần kiến nghị Quốc hội có giải pháp đặc biệt, khẩn cấp như trao quyền cho Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội hay triệu tập kỳ họp bất thường để quyết định ngay giảm một số loại thuế xăng dầu thuộc thẩm quyền Quốc hội chứ không thể chờ đến tháng 10,11.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhấn mạnh việc giảm thuế xăng dầu là vấn đề cấp thiết, cần làm ngay để an lòng dân, trong đó, cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng.
"Bởi các loại thuế này là thuế tương đối, có thể linh hoạt điều chỉnh theo giá xăng dầu thế giới. Đặc biệt sẽ có tác dụng giảm giá bán lẻ xăng dầu nhiều hơn thay vì giảm các loại thuế tuyệt đối như thuế bảo vệ môi trường", ông nói.
Các đề xuất của Bộ Tài chính được đưa ra trong bối cảnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang có xu hướng tăng mạnh, bất chấp việc thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này đã được điều chỉnh giảm 50% kể từ ngày 1/4.
Trong kỳ điều hành giá gần nhất (21/6), giá xăng E5 RON 92 tiếp tục tăng 185 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 500 đồng/lít. Sau tăng, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 31.302 đồng/lít và xăng RON 95 là 32.873 đồng/lít. Đây là đợt tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 13 của mặt hàng này trong hơn nửa đầu năm 2022.