Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/6 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng RON 95 là 22.010 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 20.870 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm xuống mức 17.940 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm về mức 17.770 đồng/lít.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (7/6) tiếp tục suy yếu theo đà giảm từ phiên hôm trước.
Hôm 6/6, giá dầu thế giới quay đầu giảm sau 3 phiên tăng liên tiếp.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h09' ngày 6/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent về mức 76,55 USD/thùng, giảm 0,16 USD, tương đương 0,21% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 71,9 USD/thùng, giảm 0,25 USD, tương đương 0,35% so với phiên liền trước.
Đến 20h21' ngày 6/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 75,61 USD/thùng, giảm 1,1 USD, tương đương 1,43% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 70,98 USD/thùng, giảm 1,17 USD, tương đương 1,62% so với phiên liền trước.
|
Giá xăng dầu đi xuống. (Ảnh: CNBC) |
Như vậy, giá xăng dầu đã không thể kéo dài đà tăng sau quyết định gia hạn việc cắt giảm sản lượng 3,6 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2024 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Bên cạnh đó, tác động tâm lý từ thông báo cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - cũng chưa đủ để hỗ trợ mạnh cho giá dầu.
OPEC+ hiện cung ứng khoảng 40% lượng dầu thô toàn cầu. Nhóm này đã cắt giảm sản lượng tổng cộng 3,6 triệu thùng/ngày, chiếm 3,6% nhu cầu của thế giới. Với việc cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia từ tháng 7 tới, tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ có thể lên tới 4,6 triệu thùng/ngày.
Theo các chuyên gia, việc cắt giảm bổ sung của Saudi Arabia dù chưa có tác động ngay tới giá dầu trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, đây sẽ là yếu tố để dầu tăng giá. Việc này có khả năng làm thâm hụt nguồn cung dầu mỏ trong tháng 7 và có thể đẩy giá dầu cao hơn trong những tuần tới.
Ngoài ra, giá dầu chưa tìm thấy động lực tăng giá ở 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Bức tranh kinh tế của Trung Quốc khá tiêu cực trong tháng 5. Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất của nước này trong tháng 5 giảm nhanh hơn dự kiến. Theo đó, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 giảm về 48,8 điểm; chỉ số PMI phi sản xuất về mức 54,5 điểm. Điều đó phản ánh sức sản xuất yếu, khiến nhu cầu dầu cũng suy giảm.
Tại Mỹ, báo cáo về ngành dịch vụ của nước này giảm mạnh so với dự kiến. Theo Viện Cung ứng Quản lý (ISM), chỉ số quản lý mua hàng dịch vụ của Mỹ trong tháng 5 tăng 50,3% trong tháng trước, thấp hơn so với mức dự báo tăng 52,6%.
Trong ngắn hạn, đà tăng của giá dầu vẫn gặp trở ngại nếu như các dữ liệu của 2 quốc gia này không cho thấy sự cải thiện.