Giá vàng trong nước
Chốt phiên giao dịch 17/2, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 66,25 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,05 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 66,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,07 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doji Hà Nội niêm yết ở mức 66,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66,2 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 67 triệu đồng/lượng.
Giá vàng quốc tế
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay giao dịch ở mức 1.826 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn giao dịch ở mức 1.827 USD/ounce.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất PPI (một thước đo lạm phát khác) tăng 0,7% trong tháng 1, cao hơn so với dự báo tăng 0,4%. Trong khi đó, doanh số bán lẻ trong tháng 1 tăng 3% so với tháng 12/2022, cao hơn mức dự báo 1,9%.
Dữ liệu kinh tế được đưa ra sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1 cao hơn dự báo. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể phải nỗ lực nhiều hơn nữa, để kiềm chế lạm phát.
Theo giới phân tích, Fed sẽ thông qua việc tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong hai cuộc họp tiếp theo. Qua đó, Fed sẽ đẩy lãi suất chuẩn lên trên mốc 5% vào tháng 5 và giữ ở mức này cho đến cuối năm.
Dự báo giá vàng
Ông Ilya Spivak, người đứng đầu bộ phận Công ty tài chính Tastylive, nhận định, Fed đang có chính sách “diều hâu”. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đối với vàng.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất. Nếu lãi suất tăng, USD mạnh lên, tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng ANZ (Australia) nhận định, Fed thắt chặt chính sách tiền tệ có thể tạo tiêu cực ngắn hạn đối với giá vàng. Một đợt bán tháo tiếp theo có thể đưa giá vàng giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce trong ngắn hạn.