Trồng hơn 6 sào hoa ly với 50 vạn gốc tại vườn hoa số 03, làng Đăm, Tây Tựu, chị Nhung cho biết năm nay hoa ly nở muộn, hội hè đình đám không tổ chức, chợ hoa lại đóng cửa không có nơi tiêu thụ nên giá hoa rẻ như cho.
“Chợ thì cấm bán, hoa thì sắp đến thời điểm bung nở nên tôi phải cắt dần ra chợ đầu mối rau củ quả đứng bán. Ngày nào nắng ráo thì bán được 20 bó, ngày mưa như hôm nay thì cả sáng mới bán được 5 bó, còn lại mang về chứ biết làm sao”, chị Nhung thở dài.
|
Để vớt vát chút tiền vốn, chị Nhung phải đứng dầm mưa cả ngày để bán những bó hoa ly với giá lỗ hơn một nửa. |
Theo chị Nhung, nếu hoa nở vào trước Tết sẽ bán được giá khoảng 40.000 đồng/cành 5-7 tai, nhưng hiện tại họ trả giá buôn có 4.000 đồng/cành. Với giá này, mỗi sào hoa ly gia đình chị bị lỗ khoảng 40 triệu đồng.
“Thấy hoa bị trả rẻ quá nên mấy đứa em tôi cũng đăng bán giúp trên chợ mạng với giá 65-80.000 đồng/bó 10 cành, mọi người ủng hộ nhiều nhưng cả chục ngày vẫn chưa bán hết 1 sào ly. Trong các loại hoa tại Tây Tựu, hoa ly là loại hoa khó chăm nhất, mức đầu tư cũng cao nhất nhưng cũng rủi ro nhiều nhất. Như năm nay tôi dự tính sẽ phải chịu lỗ ít nhất là 200 triệu đồng”, chị Nhung buồn rầu.
|
Hàng nghìn bó hoa ly được thu hoạch mỗi ngày ở Tây Tựu nhưng không biết bán ở đâu. |
“Mỗi củ giống hoa ly đỏ tôi phải mua với giá 18.000 đồng, mang về phải làm đất, ủ phân, trồng xong phải mua lưới về căng, làm cỏ, bỏ phân, nửa năm phơi nắng tắm mưa ngoài ruộng mà hoa đến kỳ được bán lại không bán được. Đứng dầm mưa, mỗi bó hoa dài 70-80cm, mỗi cành 5-6 tai tôi chỉ bán với giá 70.000 đồng/bó 10 cành nhưng người mua còn trả giá chỉ 50-60.000 đồng. Bán thì tiếc của vì quá bèo bọt, không bán thì phải mang về nên rẻ mấy cũng cố đứng bán em ạ”, chị Nhung nói với PV.
Hộ gia đình anh Thái (trú tại xóm 3, Tây Tựu) cũng thuê đất tại Hạ Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) để trồng hơn một mẫu hoa ly với giá 20 triệu đồng/năm. Trước đây, giá hoa ly được khoảng 150-200.000 đồng/bó, trừ hết các chi phí thì mỗi sào hoa gia đình anh cũng để ra được khoảng 10 triệu đồng. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hoa nở mà không có người mua, vợ chồng anh phải cắt dần rồi bảo quản kho lạnh, chờ có người mua thì bán.
|
Giá hoa ly xuống thấp chưa từng có nhưng có người mua là vợ chồng anh Thái lại ra ruộng cắt về dù bù lỗ cả hàng chục triệu đồng cho mỗi sào hoa. |
“Để trồng hoa ly, nhà tôi phải cắm sổ đỏ lấy tiền đầu tư. Từ Tết đến giờ giá hoa xuống thấp, bị lỗ hơn 300 triệu rồi mà vẫn phải cắt bán. Mỗi củ giống hoa ly màu cam, vàng chanh, vàng nghệ tôi phải mua với giá 10.000 đồng, mỗi củ chỉ được 1 cành, trồng gần 3 tháng trời mới được thu hoạch, giờ chợ hoa thì không mở, dân buôn họ trả có 4.000 đồng/cành thì hỏi lãi ở đâu? Riêng tiền giống đã lỗ hơn nửa, còn tiền phân, tiền thuê người làm cỏ, tiền thuê đất, chưa kể ngày nào hai vợ chồng cũng đèo nhau gần 20km từ nhà ra đây để làm. Nhưng giờ dịch bệnh như thế, biết kêu ai, nông dân luôn là người khổ nhất”, anh Thái buồn rầu nói.
|
Những ruộng hoa ly rộng mênh mông đến ngày thu hoạch nhưng không có người mua. |
Đứng cạnh ruộng ly mới cắt được một nửa, ông Bùi Trung Thúc (trú tại xóm 1, Tây Tựu) cho biết chỉ tính riêng tiền củ giống để trồng hơn mẫu hoa ly đã hết hơn 1 tỷ đồng, người trồng ly đa số phải cầm sổ đỏ nhà để vay tiền trồng hoa.
“Mỗi củ giống ly đỏ 20.000 đồng, mỗi sào trồng 5.500 củ là hết 110 triệu tiền giống, mỗi mẫu hết 1,1 tỷ đồng. Không những giống mà còn phải thuê người trồng, tiền thuê ruộng 20 triệu, giờ ly nở phải cắt về, hàng nghìn bó ly dựng trong nhà không có người mua, thế mới khổ. Chỉ mong chợ mở, dân có chỗ bán hoa được đồng nào hay đồng ấy, thu lại chút vốn mình bỏ ra thôi”, ông Thúc thở dài.
Không chỉ riêng hoa ly mà tất cả những người nông dân trồng hoa ở Tây Tựu cũng chung nỗi buồn hoa rớt giá, người nông dân thua lỗ nặng nề. Hàng trăm vườn cúc vàng, cúc trắng và hoa hồng bung nở rực rỡ nhưng người trồng hoa thì “rớt nước mắt” do không có người mua.