Số liệu trên được bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam cho biết tại tọa đàm “Tiêu điểm đầu tư bất động sản trong bối cảnh mới” do tạp chí Nhà Quản Trị - TheLEADER tổ chức chiều nay (30/7).
Đánh giá về nguồn cung phân khúc chung cư Hà Nội thời gian qua, bà Hoài An cho rằng, điểm đáng chú ý là tỷ trọng lớn tập trung ở phân khúc trung - cao cấp.
“Tỷ trọng sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp phản ánh mặt bằng giá mới đang tăng, đặc biệt ở khoảng giá cao cấp. Khoảng 70% số căn hộ mở bán trong nửa đầu năm 2024 tập trung ở phân khúc cao cấp và rơi vào đoạn giá 60-120 triệu đồng/m2”, bà Hoài An nói.Trong báo cáo thị trường mới đây, hãng tư vấn dịch vụ bất động sản Savills cho hay, Hà Nội không có nguồn cung căn hộ mới giá dưới 45 triệu đồng/m2 vào quý II.
Có thể thấy, căn hộ mới giá dưới 50 triệu đồng/m2 gần như "biến mất" tại Hà Nội. Như vậy, với tài chính khoảng 3 tỷ đồng cũng khó mua được một căn hộ chung cư mới ở Thủ đô.
Về tốc độ tăng giá chung cư, ghi nhận của CBRE, tại TP.HCM, chung cư tăng giá ở thị trường thứ cấp ở biên độ tương đối vừa phải. Trừ những khu vực trung tâm, hầu hết chỉ tăng 1-2%.
Còn ở Hà Nội, trên thị trường thứ cấp, tăng giá diễn ra ở hầu khắp khu vực từ trung tâm đến ngoại thành, mức tăng từ 20-25%. Ở khu vực xung quanh vành đai 3 chứng kiến tốc độ tăng giá rõ hơn những khu vực xa trung tâm.
“Hai năm qua, có thể thấy thị trường chung cư Hà Nội tăng giá nhanh và mạnh. Nhìn tổng quan, dường như mức tăng thu nhập của người dân chưa theo kịp mức tăng giá nhà/chung cư ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội”, bà Hoài An nhận định.
|
Toạ đàm “Tiêu điểm đầu tư bất động sản trong bối cảnh mới” ngày 30/7. Ảnh: H.A |
Theo ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGOHomes, không chỉ chung cư, các phân khúc khác cũng tăng giá mạnh. Hiện giá nhà thổ cư vùng ven Hà Nội khoảng trên 100 triệu đồng/m2. Nhà trong ngõ tại trung tâm từ 140-160 triệu đồng/m2. Liền kề, bất động sản thấp tầng thấp nhất khoảng 200 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Dũng Minh, Phó Tổng giám đốc MIKGroup, cho rằng, vấn đề ngắn hạn như nguồn cung hạn chế là một trong những yếu tố tác động tới giá bán.
“Từ giờ đến cuối năm và đầu năm sau, giá bán trung bình còn lên cao hơn nữa. Thời gian tới, với hành lang pháp lý mới, tôi hy vọng trên thị trường có nhiều quỹ đất lớn hơn và khu đô thị thực sự lớn vài trăm héc-ta trở lên”, ông Minh nói.
Chủ đầu tư yên tâm làm nhà ở xã hội, dân rộng cửa mua nhà
Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản thời gian qua.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ Group, nhìn nhận, ngoài chính sách mới về đất đai, phát triển chung cư mini, nhà ở xã hội... được kỳ vọng giúp giải quyết nhu cầu người dân, đặc biệt khi thu nhập tăng không theo kịp giá chung cư - hiện sắp tiệm cận mức 100 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home, đánh giá, Luật Nhà ở 2023 có nhiều điểm giúp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, “giải cơn khát” thiếu hụt về nguồn cung nhà ở vừa túi tiền thời gian qua.
Theo vị này, trước khi các luật có hiệu lực (ngày 1/8), các nghị định hướng dẫn về nhà ở xã hội đã có ngay trước đó. Đặc biệt, việc giải quyết được định khâu định giá đất giúp rút ngắn đáng kể quá trình phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, việc cởi trói điều kiện yêu cầu cá nhân mua (vợ/chồng) thu nhập không quá 15 triệu đồng mỗi tháng, bổ sung việc chính thức tính tổng thu nhập 2 vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng đã tháo gỡ rất lớn cho người dân, cho thấy Bộ Xây dựng và Chính phủ đã lắng nghe ý kiến các chuyên gia.
“Ở các nước phát triển, cứ 5 người thì có 1 người đang ở nhà ở xã hội. Điều này cho thấy tính hợp lý và có cơ sở từ 'con số 20%' theo quy định mà các cơ quản lý đưa ra. Với sự cởi trói mạnh mẽ về luật, tôi mong khi thông tư mới ra đời sẽ giúp tháo gỡ toàn bộ khó khăn, để các chủ đầu tư yên tâm làm nhà ở xã hội”, ông Nam cho hay.