General Electric “rót” 1 tỷ vào Điện khí Long Sơn
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert C. O’Brien, ông O’Brien và Chủ tịch ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ Kimberly Reed đã chứng kiến lễ ký kết dự án Điện khí LNG Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) giữa các đại diện của General Electric (GE), GENCO3, Tổng Công ty Thái Bình Dương, Công ty CP tư vấn xây dựng điện 2 (PECC 2), Mitsubishi và Tập đoàn TTC.
Trong dự án này, GE sẽ cung cấp thiết bị, dịch vụ và đóng góp vốn đầu tư, với tổng giá trị tham gia là 1 tỷ USD. Dự án sẽ cung cấp 1.500 MW điện sạch và đáng tin cậy cho Việt Nam, tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế.
|
Ảnh minh họa. |
Lợi thế của Điện khí Long Sơn, có thể lãi khủng?
Theo tìm hiểu của PV, điện khí LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi nước ta đã tham gia vào cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau COP21.
Hơn nữa, trong đề án Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được phê duyệt đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: "Cần nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng khí tương đương từ 1 đến 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021-2025 và từ 6 đến 10 tỷ m3/năm giai đoạn 2026 - 2035". Lượng LNG nhập khẩu này sẽ phục vụ chủ yếu cho sản xuất điện nhằm giảm thiểu nhiệt điện than trong mục tiêu giảm phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khí nhà kính CO2.
Đặc biệt, trong Nghị quyết 55/NQ-TW mới đây đã nêu: "Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống", "... Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)". Xây dựng cơ sở hạ tầng "đủ năng lực nhập khẩu LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045".
Như vậy, có thể thấy, nước ta đang rất quan tâm đến vấn đề LNG. Điều này sẽ tạo lợi thế rất lớn đối với sự phát triển của dự án Điện khí LNG Long Sơn.
Ngoài ra, ở miền Nam chiếm tới 47,2% tổng tiêu thụ điện của cả nước nhưng chỉ có chưa đến 40% tổng công suất nguồn điện của Việt Nam được đặt ở khu vực này. Sự thiếu cân đối giữa cung và cầu khiến miền Nam đang phải phụ thuộc vào điện năng truyền tải từ miền Bắc và miền Trung vào thông qua đường dây 500 kV Bắc - Nam. Với dự án Điện khí LNG Long Sơn còn có ưu thế gần với TP HCM, trung tâm phụ tải điện lớn nhất Việt Nam, do đó có thể để đáp ứng nhu cầu điện cấp bách, đặc biệt là sau năm 2020.
Trong khi đó, trên thế giới, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay, trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu LNG sẽ tăng mạnh mẽ do Hoa Kỳ dự định tăng xuất khẩu đến 100 tỷ mét khối (BCM) tương đương 74 triệu tấn vào năm 2024.
Từ những lợi thế đang có, nhất là khi Điện khí Long Sơn được Tập đoàn General Electric “rót” 1 tỷ, dư luận đã đặt câu hỏi: Tương lai nhà đầu tư Điện khí Long Sơn có "đút túi" lãi khủng?