Hàng trăm năm qua, cây chè shan tuyết đã bén rễ, gắn bó với bà con dân tộc Mông ở Tà Xùa. Có những cây chè cổ thụ đã có tuổi đời hàng trăm năm. Chè mọc xen lẫn trong rừng, xung quanh bản. Tháng 4, 5, 6 là lúc cây chè shan tuyết cho nhiều búp nhất. Lúc này bà con trong bản sẽ đổi công cho nhau để hái chè. Từ hai tháng nay, ngày nào gia đình anh Mùa A Chu ở bản Bẹ cũng lên rừng để hái chè. Khác với những đồi chè bạt ngàn ở dưới xuôi, những cây chè shan tuyết có cây cao đến 3m với nhiều nhánh.
Để hái được những ngọn chè shan tuyết, người Mông phải trèo lên những cây chè cổ thụ cao, hái từng búp chè non bỏ vào gùi. Mỗi cây chè cổ thụ một vụ chỉ hái được vài kg chè búp tươi và được hái cách nhau 7 ngày. (Ảnh: Wanderlusttips)
Người Mông sống cả đời bên những cây chè shan tuyết nên ai nấy đều trèo lên cây rất nhanh chóng, càng lên cao lại hái được càng nhiều. Búp chè cứ 3 lá, hái 2 lá, người dân lại để lại 1 lá để nó mọc nhanh. Búp chè Tà Xùa có màu trắng cánh vàng, lá chè to hơn so với chè shan tuyết ở vùng khác. Xung quanh búp chè có một lớp lông tơ trắng mịn gọi là tuyết chưa các vi chất có lợi cho sức khoẻ. Có lẽ vì thế nên người ta mới gọi chè Tà Xùa là chè shan tuyết.
|
Khi thấy chè đạt “một tôm 2 lá” là thời điểm thu hoạch chè. Sáng đi hái, chiều tối về sao ngay uống mới ngon. (Ảnh: Nguyễn Trọng Chính/tuoitre.vn) |
Chính những chủ của đồi chè cũng không thể tính được tuổi đời của những cây chè ở đây, vì chúng mọc tự nhiên đã từ lâu lắm rồi, không chăm sóc, không dùng bất cứ loại thuốc trừ sâu gì, chỉ đi phát quang làm cỏ.
Trên thân cây có rất nhiều địa y và rêu nhưng cũng không làm khó được những người thu hoạch. Cụ Sòng Thị Lau, mẹ anh Mùa A Chu vẫn trèo lên cây chè thoăn thoắt dù đã 80 tuổi. Nhiều cây chè chừng hơn 200 tuổi có nhiều cành bị khô mục. Lúc này, người chủ sẽ chặt hết những cành khô để cây mọc ra cành mới. Đó cũng là cách để họ bảo tồn những cây chè cổ thụ.
Khoảng 5, 6 năm nay, người Mông mới nhận ra giá trị của cây chè. Trước đây họ chỉ hái về nhà để uống, sau có nhiều người lên thu mua, cây chè mới bắt đầu được để ý. Anh Chu bảo, ngày trước bán 1kg chè chỉ được 25.000 – 30.000 đồng. Bây giờ ít nhất cũng phải được 200.000 đồng/kg tươi. Họ cũng hái những quả chè trên cây để đem về trồng, nhân rộng ra.
Anh Mùa A Khư, ở bản Vàng Mống là một trong những hộ đi tiên phong trong việc cải tiến việc thu hoạch chè. Anh Khử bảo: "Trước đây, thu hoạch theo giờ nào cũng được, nhưng qua quá trình học hỏi, rút kinh nghiệm. Với những cây chè đa phần được trồng từ năm 1993, hái chè vào khung giờ từ sáng sớm đến 10 giờ, chiều từ 4 – 5 giờ là tốt nhất. Vì chè cũng giống con người cần có thời gian để nghỉ ngơi. Hái chè không được đụng đến búp chè, phải hái trực tiếp vì nó có lớp lông dày, tất cả vị ngon nằm ở đó. Nếu mạnh tay sẽ ảnh hưởng tới lớp lông, sau này uống sẽ có vị chát"
Bàn tay sao chè là cách kiểm tra nhiệt trên chảo
Chè hái về được người dân sao tại nhà. Những búp chè được sao bằng chảo gang trên bếp lửa. Người dân dùng chính đôi tay của mình để đảo chè, vì chỉ có cảm giác từ bàn tay mới có thể kiểm tra nhiệt trên chảo gang.
|
Những búp chè sau khi đã được hái và sao lên |
Mỗi mẻ chè sao thủ công mất 1 -2 tiếng, cứ liên tục từ 4 -5 lần sao chè rồi vò chè. Chè có ngon hay ko phụ thuộc vào việc sao chè. Công việc vất vả vả đứng hàng giờ bên bếp lửa. Cứ khoảng 5 kg chè tươi sau khi sao sẽ được 1 kg chè khô. Hiện giá chè khô dao động từ 200.000 – 700.000 đồng/kg, với chè sao thủ công bằng tay có giá tới 1 triệu đồng/kg. Chè tươi hoặc cám chè cũng có giá 40.000 – 70.000 đồng/kg.
Xã Tà Xùa có hơn 450 hộ, chủ yếu là dân tộc Mông sinh sống, trong đó có gần 300 hộ trồng chè với hơn 200 gốc chè cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi, cùng nhiều diện tích chè khác. Những búp chè tươi có vị đăng đắng nhưng không gắt, lại có vị ngọt chát, là một trong những nét đặc biệt làm nên thương hiệu chè Tà Xùa, Bắc Yên.