|
Người dùng thuê bao trả trước sẽ không còn được hưởng khuyến mại 50% trị giá thẻ cào từ ngày 1.3.2018 |
Dễ gây phát sinh SIM rác trong tương lai
Từ hôm nay 1.3, hạn mức khuyến mãi đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, các thuê bao trả trước sẽ chỉ được khuyến mãi tối đa 20% khi nạp thẻ theo quy định của thông tư 47 năm 2017 của Bộ Thông tin và truyền thông.
Cụ thể, mức tổng giá trị tối đa của dịch vụ, hàng hóa dùng để khuyến mãi trong một chương trình khuyến mãi đối với dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng dành cho thuê bao trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị của dịch vụ. Quy định có hiệu lực từ ngày 1.3.2018.
|
LS. Trương Thanh Đức cho rằng việc giảm khuyến mại thuê bao trả trước về 20% dễ gây phát sinh nhiều SIM rác trong tương lai |
Chia sẻ với Dân Việt, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng một điểm bất cập của Luật Thương mại là chỉ cho phép khuyến mại không quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại nhưng trên thế giới, nhiều nơi có thể khuyến mại tới 100% hoặc hơn.
“Việc đặt ra mức trần khuyến mại để làm gì? Tôi cho rằng mục tiêu tới là một thị trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, nơi các doanh nghiệp tham gia đều “chơi đẹp”, không sử dụng tiểu xảo để loại trừ đối thủ cạnh tranh, không lạm dụng vị trí độc quyền để tiêu diệt đối thủ. Nhưng ở thị trường Việt Nam, việc các nhà mạng đua nhau khuyến mại trong quá khứ họ đều đã tính toán kỹ, họ thấy lợi họ mới làm”,ông Đức nói.
Về mục tiêu hạn chế các cuộc gọi rác, tin nhắn rác, LS. Trương Thanh Đức tiếp tục phân tích: “Trong quá khứ, Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) từng đưa ra rất nhiều chế tài quản lý, yêu cầu các nhà mạng ký cam kết chặn tin nhắn rác. Thậm chí, năm 2017, Bộ còn yêu cầu người dùng khi đăng ký số điện thoại mới phải cung cấp đầy đủ thông tin về giấy tờ tùy thân, đặc biệt là nhà mạng phải cung cấp ảnh chụp chân dung chính chủ. Như vậy, về lý thuyết thì không thể phát sinh nạn tin nhắn rác. Nhưng hiệu quả quản lý, triển khai thực tế ra sao là trách nhiệm của Bộ chủ quản và các nhà mạng chứ không phải do quy định chưa chặt chẽ”.
Theo ông Đức, điều quan trọng nhất là sau khi một loạt bộ Luật mới được ban hành trong vài năm trở lại đây như Bộ Luật dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư, Hiến pháp thì có một nguyên tắc là cơ quan quản lý muốn ngăn cản, hạn chế, cấm đoán đều phải bằng Luật nhưng bản thân Luật lại không chỉ rõ điều này. Vậy nên, không có bất kỳ lí do, cơ sở nào để giảm mức khuyến mại thuê bao trả trước xuống còn 20%.
Theo ông Đức, phần người người dùng thuê bao trả trước đều là người ít tiền. Việc khuyến mại 20% cho thuê bao trả trước có thể dẫn tới tình trạng những người này sẵn sàng thay SIM ngay khi sử dụng hết tiền trong tài khoản. Điều này này sẽ tiếp tục làm phát sinh nhiều SIM rác mới trong tương lai.
Chú ý tới lợi ích của cả hai nhóm khách hàng
Trao đổi với Dân Việt trước đó, TS. Lê Đăng Doanh cho biết ông từng nhiều lần là nạn nhân của các cuộc gọi, tin nhắn rác. Vậy nên, thông tư 47 ra đời nhằm bảo đảm quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao di động trả sau, hạn chế các cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Ông Doanh nói: “Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được cuộc gọi mời mua bất động sản. Thậm chí, có những cuộc gọi từ các công ty địa ốc tận trong TP.HCM mà tôi cho rằng đây là cuộc gọi đã được cài đặt ghi âm trước, sau đó quay số liên lạc tới các thuê bao để phát nội dung quảng cáo. Nhiều lúc khó chịu quá tôi chỉ biết tắt máy đi.
Tôi nghĩ quy định nhằm khuyến khích thuê bao trả sau, hạn chế số lượng thuê bao ảo chủ yếu nằm ở dịch vụ thuê bao trả trước. Ngoài ra, hạn mức khuyến mại này nhằm bảo đảm an toàn và quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ bởi muốn đăng kí thuê bao trả sau phải có trách nhiệm đăng kí thông tin, địa chỉ rất rõ ràng, còn thuê bao trả trước nhiều khi họ mua sim rồi sử dụng vào mục đích gì không ai biết”.
|
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng cần có biện pháp cân đối giữa các đối tượng khách hàng, cũng như giữa hai loại hình dịch vụ trả trước và trả sau |
Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú, nguyên PGĐ Sở Thương mại Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Quyền khuyến mại thuộc về nhà mạng, nhưng việc sử dụng quyền này như thế nào lại nằm trong phạm vi của Luật Thương mại 2005 và Luật Viễn thông 2009.
Theo tôi, chúng ta phải hết sức thận trọng và có biện pháp cân đối giữa các đối tượng khách hàng, cũng như giữa hai loại hình dịch vụ trả trước và trả sau. Loại hình dịch vụ nào cần phải thu hút, khuyến khích và lành mạnh thì áp dụng cơ chế khuyến mại tốt hơn. Đồng thời, hạn chế khuyến mại với loại hình dịch vụ chúng ta không muốn.
Những vấn đề phát sinh đối với thuê bao di động trong thời gian qua như nạn khủng bố điện thoại, gửi tin nhắn rác chủ yếu xuất phát từ thuê bao trả trước”.
Trước những lo lắng của nhiều người tiêu dùng, trong đó, có cả đối tượng học sinh, sinh viên, những người thường xuyên sử dụng thuê bao trả trước trước nguy cơ bị hạn chế khuyến mại khi sử dụng dịch vụ di động, ông Phú cho biết: “Người tiêu dùng ai cũng muốn thường xuyên nhận được khuyến mại. Nhưng tôi nghĩ khuyến mại nào cũng cần có giới hạn, không thể khuyến mại vô tội vạ được. Đứng ở vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, khách hàng thông qua một số quy định liên quan đến giá cước và khuyến mại”.