Dừng huy động 180 tỷ, nguồn vốn Thực phẩm Hồng Hà biến động sao?

Google News

Theo dự kiến, Thực phẩm Hồng Hà sẽ chào bán 18 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ từ gần 354 tỷ đồng lên 534 tỷ đồng, nhưng do biến động của thị trường chứng khoán và bất động sản nên kế hoạch trên bị tạm dừng.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Đầu tư Phát triển Thực phẩm Hồng Hà (mã: HSL) vừa quyết định thông qua việc tạm dừng đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã được đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2023 thông qua ngày 3/10/2023.
Thực phẩm Hồng Hà cho biết, nguyên nhân do tình hình biến động của thị trường chứng khoán và bất động sản ảnh hưởng tới kế hoạch của công ty. Do đó, việc thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ được HĐQT xem xét và quyết định vào một thời điểm phù hợp với lợi ích của công ty, lợi ích của cổ đông, đồng thời được báo cáo tại kỳ họp cổ đông gần nhất.
Theo kế hoạch trước đó, Thực phẩm Hồng Hà dự kiến chào bán 18 triệu cổ phiếu riêng lẻ, trong đó 6 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và 12 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nếu thương vụ thành công, doanh nghiệp sẽ tăng vốn điều lệ dự kiến từ gần 354 tỷ đồng lên gần 534 tỷ đồng.
Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, tương đương với số tiền dự kiến huy động là 180 tỷ đồng. Nguồn vốn này được dùng để mua cổ phần của Công ty CP DNĐT Lam Sơn (165 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (15 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự kiến từ quý IV/2023 - quý I/2024.
Dung huy dong 180 ty, nguon von Thuc pham Hong Ha bien dong sao?
Dừng huy động 180 tỷ, nguồn vốn Thực phẩm Hồng Hà biến động sao? (ảnh minh họa: Internet). 
Ở diễn biến liên quan, vào đầu tháng 10/2023, Thực phẩm Hồng Hà đã công bố danh sách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua cổ phiếu đợt chào bán riêng lẻ. Theo đó, 5 cổ đông cá nhân sẽ lần đầu xuất hiện tại Thực phẩm Hồng Hà gồm: Ông Nguyễn Văn Bình đăng ký mua 2,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,87%); Nguyễn Thành Lập mua 2,55 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,78%); Cai Hà Ái My mua 2,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,68%); Phạm Quang Thái mua 2,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,5%) và Lê Thị Nhi mua 1,95 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,65%).
Trong đó, ông Nguyễn Văn Bình là em rể của bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - thành viên HĐQT Thực phẩm Hồng Hà, còn lại 4/5 cá nhân trong danh sách không có mối liên hệ với người nội bộ công ty. Hiện, bà Nhung đang là cổ đông lớn nắm giữ 12,43% vốn của Thực phẩm Hồng Hà (tương đương 4,4 triệu cổ phiếu).
Chân dung Thực phẩm Hồng Hà
Theo giới thiệu tại website doanh nghiệp, Công ty CP Đầu tư Phát triển Thực phẩm Hồng Hà có tiền thân là Công ty CP chế biến Nông sản Hồng Hà Sơn La, được thành lập ngày 6/1/2015, với số vốn ban đầu là 4,5 tỷ đồng. Tháng 6/2015, công ty đã tiến hành tăng vốn lên 12 tỷ đồng và đến tháng 1/2016, vốn điều lệ được tăng lên 84 tỷ đồng. Ngày 1/11/2016, Thực phẩm Hồng Hà đã tiến hành họp đại hội đồng cổ đông với chủ trương tăng vốn điều lệ lên 126 tỷ đồng, nhằm mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, kỳ vọng sẽ trở thành công ty về chế biến nông sản lớn nhất Sơn La nói riêng và miền núi phía Bắc nói chung.
Thực phẩm Hồng Hà hiện hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống. Doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở chính tại tầng 17, nhà D, Văn phòng Chính phủ - Nhà khách La Thành, số 226 Vạn Phúc, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Tổng Giám đốc công ty kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tuấn Dũng. Vốn điều lệ của công ty tại ngày 30/9/2023 đạt gần 354 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 đã được công bố cho thấy, doanh thu thuần của Thực phẩm Hồng Hà ghi nhận đạt hơn 37 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 70% so với cùng kỳ, xuống gần 34 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận đạt gần 695 triệu đồng (chủ yếu là lãi tiền gửi, lãi cho vay), tăng so với cùng kỳ lỗ hơn 540 triệu đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24% so với cùng kỳ, lên 933 triệu đồng; chi phí bán hàng đạt 163 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận không phát sinh chi phí.
Sau khi khấu trừ chi phí, Thực phẩm Hồng Hà báo lãi sau thuế đạt hơn 1,7 tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2022. Theo giải trình, do hoạt động bán hàng của công ty có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước dẫn đến ảnh hưởng tới doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý III/2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Thực phẩm Hồng Hà ghi nhận doanh thu thuần giảm 29% so với cùng kỳ, xuống còn gần 242 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng giảm 39%, xuống còn gần 6,5 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại thời điểm 30/9/2023, Thực phẩm Hồng Hà có quy mô tổng tài sản đạt gần 479 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận chỉ hơn 24 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn 153 tỷ đồng; hàng tồn kho hơn 83 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn (gồm đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và góp vốn vào đơn vị khác) hơn 67 tỷ đồng.
Tại cuối quý III/2023, nợ phải trả của Thực phẩm Hồng Hà ghi nhận ở mức hơn 44 tỷ đồng. Doanh nghiệp không phát sinh vay nợ ngắn hạn, trong khi đó vay nợ dài hạn đạt 12 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt hơn 434 tỷ đồng, chiếm đến gần 91% tổng nguồn vốn. Công ty còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 32 tỷ đồng…
Trong một diễn biến khác, trước đó, ngày 27/12/2023, Cục Thuế TP Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty CP Đầu tư Phát triển Thực phẩm Hồng Hà với tổng số tiền thuế tăng thu, tiền phạt và tiền chậm nộp là hơn 56,2 triệu đồng.
Lý do được đưa ra, Thực phẩm Hồng Hà chưa phân bổ thuế giá trị gia tăng (GTGT) dùng chung cho doanh thu không chịu thuế và doanh thu chịu thuế GTGT; giảm thuế GTGT đầu vào do không đầy đủ hồ sơ chứng minh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng đó, Thực phẩm Hồng Hà hạch toán chi phí không đầy đủ hồ sơ chứng từ chứng minh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng chi phí quản lý do giảm thuế GTGT tương ứng tỷ lệ doanh thu không chịu thuế trên tổng doanh thu. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất hóa đơn sai kỳ đối với 4 hóa đơn doanh thu lãi cho vay nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo thông tin được Thực phẩm Hồng Hà công bố, Công ty CP DNĐT Lam Sơn được thành lập từ tháng 10/2021, có vốn điều lệ 168 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Trụ sở chính của công ty đặt tại số 163 đường Thánh Thiên, phường Lê Lợi, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Công ty CP DNĐT Lam Sơn đang là chủ đầu tư dự án Cụm Công nghiệp Thanh Sơn, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Dự án này có diện tích 46ha với tổng vốn đầu tư 488,1 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
Theo kế hoạch, Thực phẩm Hồng Hà sẽ mua 165.000 cổ phần, tương đương 98,21% vốn điều lệ của Công ty CP DNĐT Lam Sơn. Giá mua dự kiến là 1 triệu đồng/cp, tương đương tổng giá trị 165 tỷ đồng. Thời gian mua dự kiến sau khi công ty hoàn thành đợt chào bán riêng lẻ. Cả hai doanh nghiệp này đều không có mối quan hệ liên quan nào giữa người nội bộ của nhau.

Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)