Đủ thứ thuế "đánh" vào túi tiền: Dân còn lại bao nhiêu tiết kiệm

Google News

Rất nhiều loại thuế được đề xuất tăng gần đây, cùng với đề xuất đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính, đang khiến nhiều người lo ngại trước gánh nặng thuế phí ngày càng lớn.

Đề xuất hàng loạt thuế mới
Bộ Tài chính vừa gây chú ý dư luận khi công bố đề xuất đánh thuế tài sản lên nhà đất, ô tô, du thuyền và máy bay. Theo đó, nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng, hoặc từ 1 tỷ đồng trở lên, sẽ phải chịu thuế mức 0,4%/năm. Không chỉ có nhà ở mà đất ở, đất sản xuất kinh doanh, đất phi nông nghiệp... có thể cũng bị đánh thuế tài sản cao hơn trước. Cùng với đó là ô tô, máy bay, du thuyền có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên sẽ phải chịu thuế tài sản mức 0,3% hoặc 0,4%/năm.
Bộ Tài chính cũng đang đề nghị phương án tăng thuế Giá trị gia tăng từ 10% hiện nay lên 11% hoặc 12% vào năm 2020. Thuế Môi trường với xăng dầu đã được đề xuất tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít với xăng, tăng từ 1.100 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít với dầu mazut, dầu nhờn,... áp dụng từ 1/7/2018.
Cùng lúc Bộ Tài chính đề xuất tăng hàng loạt thuế. 
Ngoài ra, thuế Thu nhập cá nhân cũng được Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh theo 2 phương án và nghiêng về phương án 2, với 5 bậc thuế suất, sẽ giúp tăng thu thêm cho ngân sách 500 tỷ đồng/ năm. Ở phương án này, những cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 250.000 đồng/tháng, có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 400.000 đồng/tháng, có thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 500.000 đồng/tháng, có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 650.000 đồng/tháng.
Còn một mặt hàng nữa là nước ngọt, Bộ Tài chính cũng muốn bổ sung vào đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt, với thuế suất 10%.
Mặc dù thừa nhận việc tăng thuế, bổ sung thêm các luật thuế mới sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân, nhưng Bộ Tài chính vẫn luôn bảo lưu quan điểm của mình và thể hiện quyết tâm không lùi bước.
Tất cả các loại thuế kể trên đều đánh thẳng vào túi tiền của người dân. Kể cả thuế Giá trị gia tăng, thuế Môi trường hay thuế Tiêu thụ đặc biệt, đánh trên hàng hóa thì cuối cùng trả tiền vẫn là người dân.
Thêm nhiều khó khăn
Quá nhiều các loại thuế, đó là chưa kể hàng loạt các loại phí, đã khiến gánh nặng thuế phí tăng thêm.
TS Lê Đăng Doanh cho biết, với một nền kinh tế có thu nhập vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu thuế cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. Song hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP rồi, tức là rất cao so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới.
Số liệu thống kê từ Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, tỷ lệ đóng thuế phí của người Việt Nam vào ngân sách hàng năm ở mức 21%, cao hơn Thái Lan là 16%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaysia 14%,...
Thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn hẳn, khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp từ 1,4-3 lần so với các nước.
Theo TS Nguyễn Đức Thành (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), nhìn từ góc độ kinh tế học, về thống kê tổng thể, Việt Nam là một trong những nước có nguồn thu từ người dân, tính trên tổng thu nhập của xã hội rất cao. Có thể nói là cao nhất, so với các nước cùng có mức thu nhập và trình độ phát triển.
Nhà ở có giá trị từ 700 triệu trở lên sẽ bị đánh thuế. 
Nếu chỉ nhìn vào một số loại thu cơ bản thì thuế suất không phải là cao lắm. Ví dụ như thuế thu nhập DN, hay thu nhập cá nhân, tỷ lệ huy động chưa phải là cao. Thế nhưng, chúng ta lại có rất nhiều khoản thu khác để tái bổ sung nguồn thu, như phí môi trường, phí đường bộ, hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt,...
Để bù đắp nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm dần, do Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn các hiệp định thương mại quốc tế, Bộ Tài chính đẩy mạnh tăng thu nội địa. Xu hướng này đang gây lo ngại về gánh nặng thuế, phí đặt lên vai người dân và DN.
Chẳng hạn, với đề xuất đánh thuế tài sản là nhà ở, hiện nay thu nhập người dân vẫn còn mức thấp, nhưng giá nhà đất nhiều nơi bị đẩy lên cao, người dân phải tiết kiệm hàng chục năm trời, vay vốn khắp nơi mới mua được một căn nhà. Có gia đình phải vay ngân hàng gói vay trả dần trong 20 năm. Nhưng giờ đây, không phải chỉ trả vốn vay mà hàng năm, mà còn phải nộp thuế tài sản nữa, sẽ càng thêm khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách Nhà nước năm 2017 vượt 5,9% so với dự toán, chủ yếu đến từ nguồn thu nội địa. Con số đó là 71 nghìn tỷ đồng trong tổng số 1.283,2 nghìn tỷ thu ngân sách năm ngoái. Trong hai năm 2016-2017, tỷ trọng thu nội địa đạt bình quân 81% tổng thu ngân sách, tăng 13% so với giai đoạn 2011-2015.
Bộ này dự kiến số thu nội địa năm 2018 sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 3 điểm phần trăm trong tổng thu. Tuy nhiên, các mục tiêu dự chi ngân sách vẫn gia tăng. Chi đầu tư phát triển gần 400 nghìn tỷ đồng và chi thường xuyên gần 941 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn chi dự toán trả nợ lãi là 112,5 nghìn tỷ và chi trả nợ gốc khoảng 159,7 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách hàng năm vẫn tăng đều, nhưng thu chưa bao giờ đủ chi. Cho nên việc tăng thuế phí là khó tránh khỏi.
Với người dân, trong khi thu nhập thấp, lại chịu thuế, phí cao, sẽ dẫn đến phải tiết giảm nhu cầu trong các lĩnh vực khác, phúc lợi sẽ bị giảm đi. Không chi tiêu nhiều thì hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm và kinh tế sẽ không phát triển.
Trên góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim cho rằng, một nền kinh tế muốn phát triển mạnh phải dựa vào tiết kiệm quốc gia, bao gồm tiết kiệm của tư nhân và tiết kiệm của Chính phủ. Tiết kiệm chính là nguồn vốn dành cho đầu tư, trong đó tiết kiệm tư nhân có vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi mà tiết kiệm Chính phủ ở mức âm, nếu tiết kiệm tư nhân không đủ bù đắp cho thâm hụt tiết kiệm của Chính phủ, buộc phải vay thêm từ bên ngoài, sẽ gây áp lực lên nợ Chính phủ. Điều này tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính và sự ổn định của đất nước.
Đánh thuế tài sản và tăng các loại thuế, phí khác lên cao, sẽ làm người dân giảm đi khả năng tiết kiệm, hoặc chán nản không muốn tiết kiệm nữa, kinh tế sao có thể phát triển, ông Kim đặt câu hỏi.
Theo Trần Thủy/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)