Tại một khu đất rộng hơn 700m2 ở vùng ngoại ô thành phố Bengaluru (Ấn Độ), có ngôi nhà được đặt tên là "Breathe", có nghĩa là "thở", được xây dựng kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống.
Dự án được thiết kế bởi kiến trúc sư Deepa Suriyaprakash và Guruprasanna C. Chủ nhân của ngôi nhà này là Ramki và Swarna - cặp đôi làm việc trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường.
Năm 2019, 2 người liên hệ với Deepa và Guru để xây dựng ngôi nhà trong mơ. Họ mong muốn công trình được xây dựng "hòa hợp với thiên nhiên, tiết kiệm 100% năng lượng, thân thiện với môi trường và bền vững".
|
Căn nhà được thiết kế để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên (Ảnh: Better India).
|
Deepa và Guru - hai nhà sáng lập của công ty thiết kế Betweenlines - được thành lập năm 2003, gọi đây là một trong những dự án nổi bật và đáng nhớ của họ. Mất 3 năm, từ năm 2019 đến năm 2022, dự án mới được hoàn thành.
Trên thực tế, dự án kéo dài do gặp phải một số trục trặc trong đại dịch. Tuy nhiên, theo Deepa và Guru, việc đó đã giúp họ có thời gian xem xét lại một số thiết kế và lựa chọn vật liệu.
Deepa cho biết trong quá trình xây dựng, họ tập trung vào việc tăng thời hạn sử dụng của sản phẩm để giảm bớt gánh nặng cho môi trường. Giờ đây, giấc mơ của Ramki và Swarna kết hợp cùng nỗ lực của các kiến trúc sư đã tạo ra "Breathe" - ngôi nhà xoay quanh các nguyên tắc cốt lõi về tính bền vững.
|
Một góc phòng khách và bếp của ngôi nhà (Ảnh: Better India).
|
"Breathe" được bao quanh bởi một khu vườn tươi tốt trồng nhiều loại hoa, thảo mộc và rau xanh. Ngôi nhà được xây dựng bằng gạch CSEB. Đây là hỗn hợp chứa 80% sỏi, 15% cát và 5% xi măng. Một bức tường xây bằng vật liệu này có chi phí rẻ hơn 15% - 20% và tiêu thụ chỉ bằng 1/4 so với tường gạch đất nung thông thường.
Việc sử dụng gạch CSEB trong các công trình bền vững đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây do có nhiều ưu điểm như chống lại sự phát triển của nấm mốc, dễ bảo trì… Ngoài ra, loại gạch này còn có khả năng cách âm, phân hủy sinh học và không thải ra hóa chất độc hại.
Không chỉ các bức tường mà cả nền móng của ngôi nhà cũng tuân thủ nguyên tắc thân thiện với môi trường. "Chúng tôi sử dụng lốp chứa đầy đất nện để làm phần móng", Deepa cho biết.
Bên cạnh thiết kế, nội thất của ngôi nhà cũng tập trung vào nguyên tắc tái chế. "Gỗ tái chế từ chợ địa phương được sử dụng làm cầu thang và khung cửa sổ trong khi gạch đã qua sử dụng được sử dụng để lát trong phòng tắm", Guru cho biết.
Sử dụng năng lượng và nước hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng của "Breathe". Khu vườn quanh nhà được nhóm kiến trúc sư thiết kế hệ thống tưới nước nên luôn xanh tốt, trở thành nơi trú ngụ của các loài chim.
|
Không gian phòng khách và phòng ngủ của ngôi nhà (Ảnh: Better India).
|
Deepa giải thích: "Do địa hình cao của Bengaluru, việc lấy nước ngầm không hề dễ dàng. Khi xem xét, chúng tôi nhận thấy việc đào giếng sẽ khó thực hiện". Do đó, cặp đôi đã xây một bể chứa 1.000 lít trên sân thượng để hứng nước mưa.
Nước đã qua sử dụng từ bồn tắm và bồn rửa mặt của căn nhà cũng sẽ được tận dụng để tưới cây. Ngôi nhà cũng sử dụng năng lượng từ các tấm pin mặt trời đặt trên gác mái.
Tuy chi phí xây dựng "Breathe" cao hơn so với thông thường nhưng tính bền vững của nơi này khiến nó trở nên vô giá đối với Deepa và Guru. "Khi ngồi ở nhà, tôi có thể hít thở bầu không khí trong lành và ngắm nhìn cảnh quan xung quanh. Mọi thứ thật tuyệt vời", Swarna chia sẻ.