Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 vừa công bố, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã: ACV) ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.929 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, mảng dịch vụ hàng không đóng góp 4.052 tỷ đồng, chiếm 82% doanh thu. Tiếp theo là doanh thu từ dịch vụ phi hàng không và bán hàng.
Ở chiều tiêu cực, doanh thu hoạt động tài chính của ACV giảm 77% xuống còn 442 tỷ đồng do không ghi nhận khoản lãi lớn từ chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính trong kỳ của ACV âm 446 tỷ đồng do lãi hơn 469 tỷ đồng đánh giá chênh lệch tỷ giá vào cuối kỳ.
Cùng đó, việc hoạt động kinh doanh phục hồi đã khiến chi phí bán hàng của doanh nghiệp tăng 93% lên 606 tỷ đồng. Chi phí bán hàng 87 tỷ đồng, tăng 58% so với quý II/2022. Nhờ đó, sau khi trừ hết đi chi phí, ACV ghi nhận 2.608 tỷ đồng lãi ròng, tăng 2% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý lãi kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, ACV đạt gần 9.658 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 4.241 tỷ đồng, tăng lần lượt 74% và 23% so với nửa đầu năm 2022.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6/2023, ACV có tổng tài sản đạt 63.213 tỷ đồng, tăng 5% (hơn 3.000 tỷ đồng) so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 31.275 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tài sản. Trong nửa đầu năm nay, công ty nhận về hơn 419 tỷ đồng tiền lãi.
Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đã tăng 29% so với đầu năm lên 8.138 tỷ đồng, gồm các khoản mà các hãng hàng không trong nước đang nợ công ty. Trong đó có hơn 5.541 tỷ đồng là nợ xấu và ACV phải trích lập 1.890 tỷ đồng dự phòng.
|
Phối cảnh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (ảnh: ACV). |
Tại ngày 30/6, nợ phải trả của ACV là hơn 16.561 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay là 11.365 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn từ các nguồn vốn ODA bằng đồng yen Nhật. Tổng chi phí lãi vay nửa đầu năm khoảng 34 tỷ đồng. ACV khẳng định, đơn vị có khả năng thanh toán tất cả các khoản nợ vay. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 46.652 tỷ đồng bao gồm 21.771 vốn góp chủ sở hữu, 6.034 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 18.786 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Xét về dòng tiền, trong nửa đầu năm 2023, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của ACV dương 1.775 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 2.419 tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 161 tỷ đồng khiến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 805 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc thực hiện các dự án trọng điểm của ngành hàng không cũng khiến chi phí xây dựng cơ bản dở dang của ACV tăng 33% lên 6.234 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) là lớn nhất với 4.609 tỷ đồng.
Được biết, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây 1 đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm; dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025. Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm.
Gói thầu 5.10, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách tại sân bay Long Thành giai đoạn 1, giá trị 35.233 tỷ đồng là gói thầu lớn nhất tại sân bay Long Thành và được Công ty CP Chứng khoán Vietcap dự báo có thể đem lại tổng lợi nhuận tối đa cho một nhà thầu vào khoảng 525 tỷ đồng.
ACV dự kiến khởi công gói thầu 5.10 của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vào tháng 8/2023. Hiện, các liên danh nhà thầu bao gồm Hoa Lư, CHEC-BCEG-Việt Nam và Vietur đã tham gia đấu thầu gói thầu 5.10 sau khi thời gian thi công yêu cầu được nâng từ 33 tháng lên 39 tháng. Cả 3 liên danh đều có kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng và các sân bay quốc tế lớn.
Trong đó, liên danh Hoa Lư gồm một số công ty xây dựng hàng đầu trong nước như Coteccons (HOSE: CTD), Hòa Bình (HOSE: HBC), Delta và Unicons với Powerline Engineering PCL từ Thái Lan, đơn vị có kinh nghiệm trong sân bay Suvarnabhumi.
Liên danh nhà thầu CHEC-BCEG-Việt Nam do hai nhà thầu xây dựng hàng đầu Trung Quốc là Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC) và Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh (BCEG) đứng đầu, đã xây dựng nhiều sân bay ở Trung Quốc và nước ngoài.
Liên danh VIETUR được dẫn dắt bởi IC Istas - nhà thầu top 3 của Thổ Nhĩ Kỳ với kinh nghiệm tại các sân bay quốc tế lớn. VIETUR cũng bao gồm các nhà thầu xây dựng có liên quan đến ông Nguyễn Bá Dương (cựu Chủ tịch Coteccons) và Vinaconex (HOSE: VCG) - nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng hàng đầu với bề dày kinh nghiệm xây dựng các sân bay trong nước.