Mới đây, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng mỗi lít; xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng cao, trong đó dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít, dầu mazut tăng 120 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.110 đồng/lít; RON 95 là 24.330 đồng/lít, dầu diesel là 18.710 đồng/lít; dầu hỏa 17.630 đồng/lít; dầu mazut là 17.210 đồng/kg.
Mức tăng này đưa giá xăng trong nước cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Doanh nghiệp vận tải "khóc thét"
Gần một tuần nay, anh P.C. - chủ một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội - đau đầu khi phải điều chỉnh lại giá dịch vụ vì xăng tăng giá.
"Giờ tăng giá dịch vụ cũng mệt, không tăng cũng mệt. Tăng nhiều thì khách kêu, tăng ít thì nhà xe không thể bù lỗ, không đủ tiền trả lương nhân viên. Nhà tôi có 20 xe chở vật liệu, cát sỏi đi các tỉnh, ngày nào xe cũng chạy, nên lượng xăng, dầu cần dùng là tương đối lớn", anh thông tin.
Anh P.C. cho biết, nhà anh có đội xe chuyên chở xi măng tuyến Thanh Hóa - Hà Nội với giá cước 11,3 triệu đồng/tấn. Từ khi xăng tăng giá, giá cước tăng thêm 90.000 đồng/tấn, lên 12,1 triệu đồng/tấn. Giả sử, khách lấy 10 tấn hàng sẽ phải trả thêm cho nhà xe 900.000 đồng.
"Nhà tôi có 4 xe chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội, 2 ngày chạy/lần nên lượng xăng, dầu cần dùng là tương đối lớn. Hiện tại, chúng tôi đã tăng giá cước nhưng cũng phải hỗ trợ khách một phần, để làm sao, giá cạnh tranh được với các hãng khác. Do khách nhà tôi chủ yếu là khách quen, lấy hàng số lượng lớn nên chúng tôi phải giữ bằng được họ", anh P.C. than thở.
Giá xăng tăng cao nhất 7 năm qua (Ảnh: Mạnh Quân).
Cùng chung cảnh ngộ, anh N.D., quản lý một hãng xe chuyên tuyến Hà Nội - Đà Nẵng cho hay, ngay khi giá xăng tăng, anh đã thông báo với các đối tác về việc tăng giá dịch vụ.
"Đây là lần hiếm hoi, thấy xăng tăng giá, tôi tăng ngay giá dịch vụ. Ngày trước, chúng tôi sẽ bù lỗ cho khách khoảng 7 - 10 ngày mới điều chỉnh nhưng giờ thì không. Vì từ lúc dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách, lượng hàng của nhà xe giảm tới 50 - 60% nên chúng tôi cũng sống thoi thóp lắm, không sung sướng gì", anh N.D. bộc bạch.
Cụ thể, cước chuyển hàng hóa từ Hà Nội vào Đà Nẵng nhà anh N.D. đã tăng thêm 2.000 đồng/kg là 7.000 đồng/kg. Còn giá vé lượt cho khách tăng thêm 15% như tuyến Hà Nội - Huế là 280.000 đồng/người/lượt, Hà Nội - Đà Nẵng là 360.000 đồng/người/lượt.
"Giá xăng ở mức 12.000 - 13.000 đồng/lít thì cả tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, nhà xe chỉ tốn 6 triệu đồng tiền nguyên liệu, còn bây giờ, tiền xăng phải lên tới 8 - 8,2 triệu đồng", anh cho hay.
Người dân "ốm đòn" nhìn hóa đơn
Là nhà phân phối trà ở Thái Nguyên, chị L.T. lo lắng mỗi khi nhận hóa đơn, trả cước vận chuyển. Theo hợp đồng giao kèo, giá cước sẽ cho phía chị trả và chỉ điều chỉnh khi có sự đồng ý của bên mua.
"Từ khi xăng tăng, mỗi cân trà nhà tôi phải gánh thêm 1.500 - 2.000 đồng. Trung bình mỗi tuần, nhà tôi chuyển cho khách 400 - 500 kg trà, nghĩa là, chúng tôi sẽ phải trả thêm 600.000 - 1.000.000 đồng. Trong khi, giá trà bán cho khách thì vẫn thế nhưng cước vận chuyển lại tăng. Cho nên, chúng tôi phải điều chỉnh lại một số khâu, quy trình để cân đối sao cho phù hợp", chị nói.
Theo đó, các khâu đóng gói, chế biến trà đều được chị L.T. cắt giảm nhân sự tối đa. Nếu như trước đây, nhà chị có 3 thợ chính thì nay chỉ còn 2.
"Những năm trước, nhà tôi hay vận chuyển trà qua đường bưu điện vì giá cước ở đây khá hợp lý, ổn định. Tuy nhiên, từ khi các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, bưu điện chỉ nhận kiện nhỏ. Trong khi, hàng nhà tôi thì đóng hàng số lượng lớn, không thể tách lẻ tẻ nên đành chấp nhận thuê đơn vị ngoài dù giá chát hơn", chị nói.
Nhiều nhà xe tăng giá dịch vụ khiến khách lo lắng (Ảnh: An Chi).
Để giữ giá hàng hóa ổn định đến tay khách, chị M.L. (Đống Đa, Hà Nội) còn chấp nhận "ăn lãi mỏng" hơn. "Đơn vị chúng tôi chuyên bán thực phẩm quê nên hàng hầu hết được vận chuyển từ các tỉnh vào Hà Nội. Cho nên, giá xăng tăng chính là đòn chí mạng khiến giới buôn hàng điêu đứng", chị L. chia sẻ.
Chị M.L. cho biết, giá vận chuyển hàng từ Phú Thọ đi Hà Nội đã tăng gấp đôi. Một thùng hàng 30 kg đựng thịt, cá, rau, củ quả hiện có giá 200.000 đồng, tăng 100.000 đồng so với năm trước.
"Tính ra, mỗi cân thực phẩm đang cõng thêm 3.000 - 5.000 đồng tiền phí. Ban đầu, tôi chấp nhận ăn lãi mỏng hơn để giữ khách, chứ tăng giá theo giá xăng thì khách bỏ của chạy lấy người. Vì người ta có nhiều sự lựa chọn, không mua ở chỗ mình thì tìm chỗ khác thôi", chị buồn rầu nói.
Trao đổi với Dân trí, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, nền kinh tế đang rất khó khăn, trong khi giá xăng là đầu vào của các hoạt động kinh tế xã hội. Giá xăng tăng cao sẽ đẩy chi phí nhiều lĩnh vực khác, gây thêm khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế.
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách - cho biết gói kích thích, phục hồi kinh tế cần hướng tới tổng cung tổng cầu. Chính sách tài khóa phải tìm giải pháp để chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm xuống, kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên cụ thể ở những lĩnh vực nào thì cần tính toán.
Theo ông Cường, chi phí đầu vào của doanh nghiệp hiện nhiều khâu từ nguyên vật liệu đến thành phẩm. Tập trung ở khâu nào để hỗ trợ được sẽ tính toán một cách tổng thể. Tới đây sẽ có những giải pháp tổng thể. Khi Chính phủ xây dựng xong Ủy ban sẽ thẩm định.