Lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2021
Lượng TPCP phát hành trong tháng 11 tăng 73,6% so với tháng trước đạt 42.800 tỷ đồng. Lợi suất trúng thầu các kỳ hạn 10 năm và 15 năm trong các phiên đấu thầu gần nhất đều tăng 80 điểm cơ bản so với tháng trước lên lần lượt 4,8% và 4,9%.
Trong khi đó, giao dịch trên thị trường thứ cấp tiếp tục thu hẹp với giá trị giao dịch bình quân ngày (ADTV) của các giao dịch outright giảm gần 40% MoM xuống 1.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp gần như không đổi so với tháng trước. Tính đến cuối tháng 11, lợi suất các kỳ hạn 5 năm và 10 năm đạt lần lượt 4,81% (-2 điểm cơ bản MoM) và 4,92% (-3 điểm cơ bản MoM).
Lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp có thể duy trì quanh mức hiện tại. Một mặt, áp lực từ môi trường kinh tế toàn cầu gần đây đã dịu bớt với lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, là một tín hiệu cho thấy Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm bớt quan điểm cứng rắn trong việc điều hành lãi suất thời gian tới.
Mặt khác, tâm lý thị trường có thể vẫn thận trọng do nhu cầu thanh khoản có thể tăng vào cuối năm, điều này có thể khiến lãi suất VND tiếp tục duy trì ở mức cao.
KBNN đã công bố kế hoạch phát hành 100.000 tỷ đồng TPCP trong quý 4/2022. Như vậy, KBNN cần phát hành thêm 32.600 tỷ đồng trong tháng 12 (~76% lượng TPCP phát hành trong tháng 11) để hoàn thành kế hoạch phát hành quý 4/2022. Do đó, VCSC cho rằng kế hoạch này là khả thi.
|
Lượng trái phiếu chính phủ tăng vọt trong tháng 11. |
Vấn đề thanh khoản hạ nhiệt trong tháng 11
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục sử dụng nghiệp vụ OMO và tín phiếu để bơm/hút thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trong tháng 11.
Áp lực thanh khoản đã giảm bớt khi NHNN chỉ bơm ròng 21.300 tỷ đồng trong tháng 11, thấp hơn nhiều so với mức 50,4 nghìn tỷ đồng trong tháng 10. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạng qua đêm (ON) và 1 tuần (1W) trung bình trong tháng 11 đạt lần lượt là 5,00% (-28 điểm cơ bản MoM) và 5,67% MoM (-13 điểm cơ bản MoM).
Ngày 5/12, NHNN quyết định điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2022 thêm 1,5-2 điểm % nhờ thanh khoản hệ thống cải thiện và áp lực từ bên ngoài đối với tỷ giá giảm bớt.
Mặc dù nhu cầu tín dụng cao hơn có thể gây áp lực cho lãi suất liên ngân hàng, NHNN có thể tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua OMO khi áp lực tỷ giá gần đây đã hạ nhiệt.
Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt do đồng USD suy yếu
Tỷ giá USD/VND giảm trong tháng 11 và đầu tháng 12 chủ yếu do đồng USD giảm mạnh trên thị trường thế giới. Tỷ giá USD/VND giảm xuống 24.000 vào ngày 05/12 (giảm 3,5% kể từ cuối tháng 10; tăng 4,9% kể từ đầu năm).
Kỳ vọng của thị trường về việc Fed có thể sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới, cùng với nguồn cung USD ổn định từ giải ngân vốn FDI, thặng dư thương mại và kiều hối có thể hỗ trợ cho tỷ giá USD/VND trong thời gian tới.