Điểm thu đổi ngoại tệ được quản lý ra sao tại các nước?

Google News

Tùy vào chính sách, việc quản lý các điểm thu đổi ngoại tệ tại các quốc gia lại có những khác biệt nhỏ, tuy nhiên điểm chung là luôn cần giấy phép chuyên biệt cho loại dịch vụ này.

Điểm thu đổi ngoại tệ là cách thuận tiện nhất để người có nhu cầu mua bán các loại ngoại tệ ra tiền địa phương. Dù có nhiều khác biệt về hình thức tại các nước, loại hình dịch vụ này có điểm chung là đều cần giấy phép từ cơ quan có thẩm quyền và phải có khai báo doanh thu, thực hiện nghĩa vụ thuế.
Anh: 3 bước và gần 1.000 Bảng để làm điểm mua bán ngoại tệ
Tại Anh, chỉ cần chuẩn bị một khoảng phí khoảng 1.000 Bảng và làm một vài thủ tục với nhà chức trách, công dân Anh đã có thể lập một điểm mua bán ngoại tệ hợp pháp.
Cụ thể, quá trình này gồm 3 bước. Bước đầu tiên là đăng ký với Cục Doanh thu và hải quan Hoàng gia (HMRC) để xác nhận quản lý chống rửa tiền. Khoản phí cho việc đăng ký này là 110 Bảng.
Diem thu doi ngoai te duoc quan ly ra sao tai cac nuoc?
 Một điểm thu đổi ngoại tệ hợp pháp tại London, Anh. Ảnh: Shutterstock.
Đây gần như là một bài kiểm tra nhân thân, được thiết kế để chống rửa tiền và được đánh giá là không khó khăn, tuy nhiên công dân phải chưa từng phá sản, bị cấm điều hành kinh doanh hoặc phạm một vài luật trong quá khứ, trong đó nếu có hành vi rửa tiền, sẽ không được cấp phép.
Bước tiếp theo là đăng ký để trở thành "tổ chức thanh toán nhỏ" thông qua Cục Dịch vụ tài chính Anh. Khoản phí để đăng ký là 500 Bảng. Việc đăng ký giấy phép này cũng ít phức tạp hơn nhiều so với đăng ký đầy đủ cho một tập đoàn lớn trong lĩnh vực thu mua ngoại tệ. Hạn mức trao đổi ngoại tệ trung bình của giấy phép này là 2,4 triệu Bảng và cơ sở thu mua ngoại tệ phải được đặt trong lãnh thổ Vương quốc Anh.
Con số 2,4 triệu Bảng là con số trung bình, cơ sở có thể trao đổi lượng ngoại tệ trị giá 4,8 triệu Bảng trong một tháng rồi không trao đổi trong tháng tiếp theo. Tờ đơn đăng ký được miêu tả là hết sức đơn giản, bao gồm một vài câu hỏi từ cơ quan quản lý.
Bước cuối cùng là thành lập một công ty TNHH, việc này tốn khoảng 150 Bảng. Sau khi đã thành lập công ty TNHH, công dân Anh có thể tìm cho mình một nguồn cung cấp ngoại tệ như ngân hàng hay các quỹ ngoại tệ và bắt đầu vận hành điểm giao dịch hợp pháp.
Singapore: Cần đủ điều kiện tài chính, học vấn
Quốc đảo Sư tử yêu cầu chặt chẽ hơn Vương quốc Anh để cấp phép điểm giao dịch ngoại tệ hợp pháp. Cụ thể, người nộp hồ sơ đăng ký sẽ phải có trình độ học vấn bằng hoặc cao hơn O level (tương đương tốt nghiệp THCS tại Việt Nam) và phải vượt qua được yêu cầu của Cục Tiền tệ Singapore (MAS) về chứng minh tài chính.
Tương tự như nhiều nước phát triển, MAS cũng yêu cầu cá nhân nộp hồ sơ phải đảm bảo chưa từng vi phạm pháp luật, đặc biệt là chưa từng có hành vi rửa tiền, cung cấp tài chính cho khủng bố ...
Chi phí cho hồ sơ đăng ký được MAS niêm yết là 200 SGD (khoảng 3,3 triệu đồng), sau đó chi phí cấp phép cho điểm thu đổi ngoại tệ đầu tiên là 1.300 SGD và 1.000 cho các điểm tiếp theo.
Thái Lan: Điểm đổi tiền ở khắp nơi
Là quốc gia lấy du lịch làm mũi nhọn, tại những thành phố lớn như Bangkok, Pattaya, Chiang Mai, khách du lịch và người dân địa phương có thể dễ dàng tìm thấy điểm thu đổi ngoại tệ của các ngân hàng địa phương.
Diem thu doi ngoai te duoc quan ly ra sao tai cac nuoc?-Hinh-2
Những điểm đổi tiền của người gốc Ấn Độ rất phổ biến ở Singapore. Ảnh: SD. 
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều điểm đổi tiền tư nhân được cấp phép bởi Ngân hàng Trung ương Thái Lan. Theo Hiệp hội Ngoại hối Thái Lan (TAFEX), năm 2014 hiệp hội có 1.300 điểm đổi tiền được cấp phép thuộc sự quản lý của 75 doanh nghiệp thành viên.
Giới hạn thu đổi của các điểm này là 10.000 USD với mỗi khách hàng. Với khách hàng có nhu cầu đổi trên 50.000 Bạt (khoảng 35 triệu đồng) sẽ phải trình diện hộ chiếu hoặc căn cước tại quầy thu đổi ngoại tệ.
Ấn Độ: Cần tối thiểu 34.000 USD để trở thành điểm thu đổi hợp pháp
Tương tự như các quốc gia trên, một điểm thu đổi ngoại tệ tư nhân tại Ấn Độ phải được cấp phép bởi Ngân hàng Dự trữ quốc gia Ấn Độ. Chính sách đăng ký để trở thành điểm thu đổi ngoại tệ tư nhân tại Ấn Độ cũng không quá khắt khe bởi chính quyền nước này muốn người dân và khách du lịch tiếp cận với dịch vụ thu đổi ngoại tệ dễ dàng hơn.
Để đăng ký, công dân Ấn Độ cần chứng minh sở hữu ít nhất 2,5 triệu Rupee (khoảng 34.000 USD) nếu muốn mở một điểm thu đổi ngoại tệ và 5 triệu Rupee trở lên nếu muốn mở nhiều điểm. Nếu quỹ này xuống dưới mức quy định trong khoảng thời gian dài, điểm thu đổi sẽ bị tước giấy phép.
Theo Ngô Minh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)