Đẹp tuyệt đàn ngựa bạch giữa dòng sông Ba

Google News

Trên "ốc đảo Ia Rsai" giữa dòng sông Ba, một thanh niên đã liều lĩnh đầu tư nhiều tỷ đồng để mang đàn ngựa bạch về nuôi dưỡng.
 

"Ốc đảo Ia Rsai" thuộc xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Gọi là "ốc đảo" vì nằm giữa huyện Krông Pa nóng bức, vùng đất rộng khoảng 40ha, nổi lên giữa dòng sông Ba này luôn xanh tốt. Nơi đây, được chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hậu (SN 1989, trú thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đầu tư nuôi ngựa bạch với số lượng 20 con.
Táo bạo!
Những ngày cuối tháng 8, Tây Nguyên đang là đỉnh điểm của mùa mưa, khắp nơi mưa như trút nước, đặc biệt là khi cơn bão số 3 đang gây ảnh hưởng cho cả vùng. Vậy nhưng, ở vùng đất Krông Pa vẫn nóng hầm hập đúng như cái tên "chảo lửa" mà người dân đặt riêng cho nơi này.
Dep tuyet dan ngua bach giua dong song Ba
 Chàng trai trẻ và đàn ngựa bạch trên ốc đảo Ia Rsai
Đã hẹn trước, nhưng phải chờ khá lâu, chàng trai trẻ với dáng người cao gầy, da xạm nắng và mái tóc quá mang tai mới đánh thuyền máy từ ốc đảo qua đón. Chưa kịp chào hỏi, chàng trai đã cười xuề xoà như nhận lỗi: "Anh thông cảm nghen. Em đang chuẩn bị đi thì một chú ngựa cái rống lên. Biết là ngựa sắp đẻ nên phải chờ cho bà bầu này đẻ xong, mẹ con ngựa an toàn mới dứt ra đi được".
Dep tuyet dan ngua bach giua dong song Ba-Hinh-2
 Trong đàn có 2 con ngựa bạch Tây Tạng là quý giá trị nhất
Trên đường đi, Hậu kể sau khi học THPT xong thì bước ra đời làm ăn. Từ đó, đã làm đủ nghề như tìm trầm, bán trái cây, nuôi bò… nhưng kết quả là nợ như "chúa chổm". Sau nhiều năm lay lắt, thanh niên này học được nghề làm cồn rồi tích góp, trả hết nợ và mua được mảnh đất 2,5ha đang trồng cam nơi ốc đảo này. Sau đó, anh Hậu suy nghĩ nhiều đêm rồi quyết định mua thêm ngựa bạch về nuôi. "Em lên mạng nghiên cứu, thấy đây là vùng đất có khí hậu nóng, bao quanh bởi sông nước nên nguồn nước uống sẽ không bị thiếu, ít dịch bệnh lây lan nên thích hợp với nuôi ngựa. Hơn nữa, ngựa là loài có giá trị về y học, du lịch nên đầu ra sẽ không phải lo lắng nhiều như nuôi những loài vật khác. Từ đó, em quyết định tìm cách đưa ngựa về đây để nuôi" – anh Hậu kể.
Dep tuyet dan ngua bach giua dong song Ba-Hinh-3
Đàn ngựa nuôi trên ốc đảo như được cách ly với môi trường xung quanh 
Để đưa được ngựa về cũng khá vất vả, do vốn mỏng, chưa có kinh nghiệm nên anh Hậu tìm tới những cơ sở đã nuôi ở các địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn… tìm chủ cơ sở để học hỏi kinh nghiệm về cách chăm sóc, thuần phục ngựa.
Khi đã được "một bụng kinh nghiệm", năm 2016, anh Hậu quyết định vay mượn thêm tiền, tìm sang Tây Tạng mua 3 con ngựa bạch chính gốc, gồm 1 con đực và 2 con cái với giá hơn 400 triệu đồng đưa về nuôi. Tiếp đó anh mua thêm 5 con ngựa từ các cơ sở trong nước với giá gần 400 triệu đồng nữa rồi mang tất cả về "ốc đảo" nuôi dưỡng.
Dep tuyet dan ngua bach giua dong song Ba-Hinh-4
 Từ 8 con ban đầu, hiện đàn ngựa đã phát triển được 20 con
Qua kinh nghiệm tự học hỏi được và được sự hướng dẫn của các chuyên gia ở Viện Chăn nuôi, anh Hậu đã nuôi và cho sinh sản thành công giống ngựa bạch. Đến nay, đàn ngựa của anh đã phát triển được 20 con cả lớn lẫn nhỏ.
"Khi quyết định nuôi ngựa, gia đình, người thân phản đối dữ lắm. Còn cho tôi là bị khùng nữa. Nhưng mình đã đam mê, quyết thì làm cho bằng được. Đến giờ may mắn là đàn ngựa đang phát triển tốt, khoẻ mạnh" – anh Hậu chia sẻ.
Hơn cả bác sĩ thú y
Dẫn chúng tôi đi quanh trang trại xem những con ngựa to lớn đang nhởn nhơ ăn cỏ trong vườn cam trĩu quả. Anh Hậu kể khi mới đưa ngựa về ốc đảo, anh đã phải dành hầu như toàn bộ thời gian chăm sóc, quan sát kỹ từng con xem có biểu hiện gì khác thường do thay đổi về khí hậu, môi trường hay không. Cùng với đó, là xem nguồn thức ăn, nước uống hiện có phù hợp với đàn ngựa hay không.
Dep tuyet dan ngua bach giua dong song Ba-Hinh-5
 Anh Hậu dành phần lớn thời gian để chăm sóc đàn ngựa
Qua thời gian chăm sóc thực tế, anh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm như với những con ngựa cái đang mang thai thì cho ăn thêm cám và mật mía. Hay ngựa hay mắc các bệnh như đau bụng, hà móng… Đặc biệt là do là loài ruột thẳng, nên bệnh đau bụng ở ngựa rất nguy hiểm, dễ làm ngựa chết. "Nhiều người khi thấy ngựa đau bụng nhưng lầm tưởng ngựa bị cảm lại càng bồi bổ, cho ăn nhiều hơn. Tuy nhiên điều này sẽ làm ngựa bị chướng bụng, chết nhanh. Nhưng em chỉ cần sờ vào bụng ngựa là biết ngựa bị đau bụng, phải ngừng cho ăn và tiêm thuốc chữa ngay" – anh Hậu chia sẻ và cho biết hiện nay mỗi loại bệnh ở ngựa anh đều có cách điều trị riêng. Bản thân anh thấy mình hơn cả "bác sĩ thú ý" vì lúc đầu ngựa bị đau nhưng gọi bác sĩ thú y thì họ cũng không biết chữa trị cho ngựa ra sao. Chính vì vậy, thời gian đầu có một số con đã bị chết. 
"Bí quyết chăm ngựa tốt của em không có gì ngoài tình yêu với ngựa, dành thời gian chăm sóc và quan sát đặc tính của từng con ngựa. Từ đó mà học hỏi, biết ngựa của mình đau ra sao, cần những gì và có cách chăm sóc, chữa trị riêng" – anh Hậu nói.
Theo anh Hậu, có nhiều người thấy anh nuôi ngựa đã tìm tới để mua giống nhưng anh chưa bán vì đang muốn nhân giống, phát triển thêm số lượng cho đàn ngựa. Trong quá trình phát triển đàn, những con ngựa nào không đẻ được thì anh sẽ nấu cao để để làm thuốc vì trong y học, cao ngựa bạch rất tốt cho sức khoẻ. Những con còn lại ngoài dùng gây giống còn phục vụ phát triển du lịch (kéo xe) vào các dịp lễ tết, cuối tuần để tăng thu nhập.
Dep tuyet dan ngua bach giua dong song Ba-Hinh-6
Ngoài tăng thu nhập cho bản thân, anh Hậu còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương 
Anh Hậu cũng tính toán mỗi năm ngựa cái đẻ một lứa, giá thị trường hiện nay của một con ngựa bạch con khoảng 25 triệu đồng, từ 2 năm trở lên thì có giá trên 60 triệu đồng. Nếu nấu cao một con ngựa bạch trong nước trưởng thành cũng được khoảng 4kg với giá bán hiện nay khoảng 20 triệu đồng/kg.
Mong muốn phát triển khu du lịch sinh thái
Theo anh Hậu, trong thời gian tới anh sẽ dốc toàn lực để phát triển đàn ngựa. Cùng với đó, anh sẽ nuôi thêm một số loài động vật như: lạc đà, hươu sao, cừu, đà điểu… cùng với đó là trồng thêm cây ăn trái để biến ốc đảo này thành điểm du lịch sinh thái phục vụ khách du lịch.
Theo Hoàng Thanh/Người Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)