Bộ LĐ-TB&XH quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
Tuy nhiên, qua thực hiện, cơ chế tiền lương, tiền thưởng hiện hành đang bộc lộ những hạn chế: Có sự phân biệt giữa doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước và DN có cổ phần chi phối của Nhà nước; chính sách tiền lương quy định nguyên tắc chung gắn tiền lương với năng suất lao động và hiệu quả nhưng chưa có sự phân biệt rõ theo quy mô năng suất và hiệu quả, giữa DN dẫn đến có chênh lệch khá lớn tiền lương, nhất là tiền lương của người quản lý giữa các DN ở ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Tiền lương của người quản lý mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với các chức danh quản lý tương đương trên thị trường nên chưa tạo được động lực cho những người quản lý giỏi.
Thẩm quyền đánh giá, quyết định mức lương của người quản lý chưa phù hợp, trong đó đại diện chủ sở hữu (hội đồng thành viên, kiểm soát viên) vẫn hưởng lương chung với ban giám đốc, do DN chi trả, làm giảm tính khách quan, độc lập và hiệu quả trong giám sát, chỉ đạo DN.
Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với người lao động trong DN đã xác định nhiều nội dung cải cách tiền lương đối với DN nhà nước, trong đó có 5 nội dung thực hiện từ ngày 1/1/2025:
Nhà nước quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng thị trường; các DN được tự quyết định chính sách tiền lương.
Thực hiện giao khoán chi phí tiền lương; phân định rõ tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với ban điều hành, trong đó ban điều hành hưởng chung quỹ tiền lương với người lao động và có khống chế mức hưởng tối đa của tổng giám đốc so với mức lương bình quân của người lao động; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương.
Nhà nước quy định mức lương cơ bản, tiền lương tăng thêm và tiền thưởng gắn với quy mô, mức độ phức tạp của quản lý và hiệu quả kinh doanh, sử dụng vốn nhà nước đối với người đại diện vốn nhà nước, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường…
Để giải quyết những bất cập, hạn chế trong cơ chế tiền lương hiện hành, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất dự thảo Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong DN nhà nước.
Trong đó, về tiền lương, tiền thưởng của người lao động và ban điều hành, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất việc xác định quỹ tiền lương, tiền thưởng mang tính nguyên tắc và giao cho DN xác định, chi trả theo quy chế của DN.
Về phương pháp xác định quỹ tiền lương của người lao động và ban điều hành đề xuất DN được lựa chọn xác định quỹ lương thông qua mức tiền lương bình quân hoặc đơn giá tiền lương ổn định trong 2 hoặc 3 năm phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất, kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của DN để đảm bảo sự linh hoạt, ổn định cho DN.
Cụ thể, theo dự thảo quỹ tiền lương của người lao động và ban điều hành được xác định theo những phương pháp sau: Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân; xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định.
Dự thảo nêu rõ, tùy theo nhiệm vụ, tính chất ngành nghề, điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN quyết định lựa chọn phương pháp xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân hoặc xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định.
Đối với DN có nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau và có thể tách bạch được các chỉ tiêu lao động, tài chính để tính năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động thì DN lựa chọn phương pháp phù hợp trong 2 phương pháp trên để xác định quỹ tiền lương tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động.