Theo đó, các lô đất có ký hiệu số 3-5 (gần 6.500 m2), 3-8 (gần 8.570 m2), 3-9 (hơn 5.000 m2) và 3-12 (hơn 10.000 m2) thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm tính từ thời điểm có hiệu lực của quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài.
Ngay sau thông tin đấu giá 3ha đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dư luận khá tò mò với diện tích đất đấu giá mới này, các đại gia nào sẽ sở hữu?
|
Đấu giá 3ha đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm về tay đại gia nào? (Ảnh minh họa). |
Theo tìm hiểu của PV, Khu đô thị mới Thủ Thiêm tọa lạc ở bán đảo Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM, nằm đối diện quận 1 qua bờ sông Sài Gòn, được quy hoạch 8 khu chức năng. Trong đó, khu chức năng số 3 là khu dân cư hỗn hợp (nằm dọc bờ Bắc Thủ Thiêm, dưới chân Cầu Thủ Thiêm 1) và khu thương mại đa chức năng cao tầng. Khu vực này sẽ có trường học và nhà bảo tàng đối diện Trung tâm Hội nghị triển lãm qua kênh số 1.
Khoảng cuối năm 2011, dù đã giải phóng mặt bằng trên 95% nhưng tổng chung Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn còn là đất hoang. Các công trình hạ tầng giao thông chính trong nội khu như 4 tuyến đường chính và các công trình kết nối Thủ Thiêm với trung tâm thành phố như cầu Thủ Thiêm 2, dù đã được giao cho các chủ đầu tư và doanh nghiệp Nhà nước theo hình thức BT nhưng chưa triển khai gì và cũng chưa có dự án bất động sản nào được ký kết đầu tư…
Trước tình hình này, địa ốc Đại Quang Minh, nhà đầu tư tiên phong vào Thủ Thiêm, với loạt dự án lớn triển khai cả về hạ tầng lẫn khu dân cư thông qua hình thức BT.
Cụ thể, là đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn và đường châu thổ qua khu lâm viên sinh thái phía Nam, cầu Thủ Thiêm 2 và cầu đi bộ. Dự án đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm (quy mô khoảng 20ha) và công viên bờ sông (khoảng 7ha) đang được nhà đầu tư triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1:500.
Đổi lại, Đại Quang Minh được giao làm chủ đầu tư khoảng 46ha (bao gồm đất ở và đất khai thác thương mại) để xây dựng Khu đô thị Sala gồm biệt thự, nhà phố thương mại và căn hộ cao cấp, công viên, bệnh viện, trường học... từ khu vực còn hoang hóa.
Theo Tiền Phong, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng đầu tư Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm (Eco Smart City Thủ Thiêm) khoảng 1 tỷ USD. Cụ thể, hồi tháng 8/2015, Lotte đã ký quỹ với TPHCM 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đầu năm 2016, liên doanh Phát Đạt, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng 620 - Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 168 công bố đầu tư 5.200 tỷ đồng xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, đổi lại Thành phố sẽ giao cho Phát Đạt quỹ 11 lô đất trị giá hơn 3.000 tỷ đồng tại Thủ Thiêm.
Cuối tháng 12/2017, CII và Hongkong Land đã chính thức tiến hành ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Thủ Thiêm River Park trên quỹ đất lớn tại bán đảo Thủ Thiêm được thành phố giao cho theo hình thức ổn định lâu dài và cho thuê trong 50 năm. Sau khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 1.140 căn hộ ra thị trường. Tổng vốn tham gia đầu tư vào dự án dự kiến hơn 400 triệu USD.
Trở lại thông tin đấu giá 3ha đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dư luận đang đặt dấu hỏi về các “ông lớn” đã có mặt ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tiếp tục muốn sở hữu 3ha đất đấu giá mới này?