Đất nông nghiệp bị tố “biến” thành đất ở: Cần thanh tra làm rõ?

Google News

Luật sư Trịnh Văn Dũng cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần tăng cường công tác thanh kiểm tra nội dung công dân phản ánh vi phạm về đất đai ở xã Nội Hoàng (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Trong bài viết trước, Báo Tri thức và Cuộc sống đã nêu thông tin ông Nguyễn Văn Nam (SN 1976, được ông Thân Văn Biên ủy quyền; trú tại thôn Trung, xã Nội Hoàng, Yên Dũng, Bắc Giang), phản ánh một số cán bộ UBND xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng có dấu hiệu buông lỏng trong công tác quản lý đất đai.
Liên quan đến sự việc, mới đây, ngày 13/4/2023, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản 1796/UBNT-TCD gửi thanh tra tỉnh về việc kiểm tra, xem xét nội dung đơn của công dân.
Cụ thể, văn bản nêu rõ: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích giao Thanh tra tỉnh kiểm tra, xem xét làm rõ nội dung đơn của công dân; căn cứ pháp lý để xem xét, xử lý đối với nội dung công dân tố cáo và thẩm quyền giải quyết vụ việc. Kết quả báo cáo và kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh biện pháp giải quyết theo quy định.
Dat nong nghiep bi to “bien” thanh dat o: Can thanh tra lam ro?
 Khu đất Thùng Lò Só Hạc (thôn Trung, xã Nội Hoàng; đánh dấu đỏ) có nguồn gốc là đất nông nghiệp.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về tính pháp lý của sự việc, luật sư Trịnh Văn Dũng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại khoản 1, Điều 6 của Luật Đất đai năm 2013 đã quy định, nguyên tắc sử dụng đất là phải "đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng và đúng mục đích sử dụng đất...". Hơn nữa tại điểm d, khoản 1, Điều 57 luật Đất đai năm 2013 cũng đã quy định các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gồm: "Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp...".
Như vậy, với việc giao thầu đất, mục đích sử dụng đất tại khu Thùng Lò Só Hạc (xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng) là đất nông nghiệp, nên cần phải làm rõ các thửa đất giao thầu đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chưa, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được cấp GCNQSDĐ nhưng người sử dụng đất tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tiến hành xây dựng công trình kiên cố phục vụ mục đích phi nông nghiệp trên đất đó là vi phạm pháp luật.
Dat nong nghiep bi to “bien” thanh dat o: Can thanh tra lam ro?-Hinh-2
Luật sư Trịnh Văn Dũng (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Trong sự việc này, luật sư cho rằng chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã Nội Hoàng và Ban quản lý thôn Trung phải chịu trách nhiệm. Bởi, UBND xã là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, lập biên bản, hồ sơ vi phạm hành chính ban đầu đối với hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, san lấp và xây dựng công trình kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp của các cá nhân, tổ chức.
Trong trường hợp, nếu phát phiện hành vi vi phạm mà UBND xã không có các biện pháp để yêu cầu người sử dụng đất vi phạm tạm dừng, chấm dứt hành vi vi phạm, hoặc không kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp trên xử phạt vi phạm, buộc tháo dỡ, khôi phục hiện trạng mục đích thì trách nhiệm trước tiên thuộc về UBND xã đứng đầu là Chủ tịch UBND xã.
“Tùy thuộc mức độ gây thiệt hại cho nhà nước mà cá nhân, tập thể phải chịu trách nhiệm tương xứng với hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật do mình gây ra”, luật sư Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, luật sư cũng nhấn mạnh, để người dân ổn định đời sống, an tâm sản xuất chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu và tự giác chấp hành đúng quy định của pháp luật về đất đai. Giữ nguyên hiện trạng thửa đất, không được tiếp tục có hành vi vi phạm đất đai.
Các cấp có thẩm quyền cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm về đất đai, buộc khôi phục hiện trạng. Cùng với đó là nghiên cứu, vận dụng quy định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ, tham mưu văn bản, báo cáo và đề xuất cơ quan có thẩm quyền để xử lý sự việc một cách hợp tình, hợp lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo nội dung phản ánh, năm 1993, UBND xã Nội Hoàng có chủ trương xây dựng đường điện hạ thế. Nguồn kinh phí, xã giao cho các thôn tự tìm. Ban quản lý thôn Trung sau khi họp bàn, đã thống nhất có Nghị quyết chung giao thầu khu đất Thùng Lò Só Hạc có diện tích 5.400,1m2 cho 6 hộ dân để lấy tiền làm đường điện, với tổng số tiền 4.500 nghìn đồng. Thời gian giao thầu 10 năm.
Năm 2003, hết hạn giao thầu, Chi bộ thôn Trung và hội người cao tuổi đã họp dân và thống nhất bán thầu lâu dài khu đất nói trên, với tổng giá trị hơn 95 triệu đồng, để phục vụ cho các công trình phúc lợi của thôn.
Theo Nghị quyết họp thôn Trung ngày 18/6/2004, Ban quản lý thôn Trung thống nhất giao khu đất cho hộ ông Thân Văn Biên. Toàn bộ số tiền 95 triệu đồng đã được ông Biên thanh toán đầy đủ cho thôn.
Năm 2005, ông Biên làm hồ sơ, xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất để thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi một số loại gia cầm có giá trị kinh tế cao" (thời hạn từ tháng 10/2005 -10/2030), và được UBND huyện Yên Dũng phê duyệt, nhưng 6 hộ thầu cũ không chịu bàn giao mặt bằng. Một số hộ còn ngang nhiên san lấp khu đất nông nghiệp rồi phân lô và xây dựng nhà cửa.
Gia đình ông Biên đã nhiều lần ông gửi đơn đến các cơ quan chức năng địa phương, đề nghị giải quyết sự việc nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Dương Thanh Huấn - cán bộ địa chính xã Nội Hoàng cho biết, trong hợp đồng giao thầu của thôn năm 1993 thì diện tích khu đất Thùng Lò Só Hạc có thể chưa chính xác. Do vậy, căn cứ vào bản đồ địa chính đo đạc năm 2003 của xã Nội Hoàng, năm 2005, UBND huyện Yên Dũng cho phép ông Thân Văn Biên chuyển đổi mục đích sử dụng đất gồm các thửa 6,12, 13, 16, 17.
Ông Huấn còn nêu, văn bản do Chủ tịch UBND xã Nội Hoàng vừa ban hành, trả lời công dân về việc cấp GCNQSDĐ cho 6 hộ dân khu Thùng Lò Só Hạc có nêu nguồn gốc đất là đất nông nghiệp, các hộ chưa được cấp GCNQSDĐ.
Theo văn bản, các hộ nhận thầu khu đất Thùng Lò Só Hạc từ năm 1993 và năm 2004 không thanh lý được, vẫn sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin./.
Đoàn Khang

>> xem thêm

Bình luận(0)